Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm

Dù ngân hàng không thiếu tiền và không thiếu room tín dụng nhưng tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này chỉ bằng 1/3 năm ngoái.

Tín dụng bất động sản tăng chậm. Ảnh: Quang Vinh.

Tín dụng bất động sản tăng chậm. Ảnh: Quang Vinh.

Chưa hết khó khăn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp để “hạ nhiệt” mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Trong đó, lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Dù vậy, tín dụng vẫn tăng rất chậm. Tính đến ngày 20/4/2023, quy mô tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hầu hết các ngân hàng tăng trưởng tín dụng còn thấp, nhiều ngân hàng chỉ tăng trên dưới 1%; thậm chí có ngân hàng tăng trưởng âm.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao tín dụng tăng thấp dù các biện pháp kích thích liên tục được thực hiện? Đại diện các ngân hàng thương mại đều lý giải, nguyên nhân là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm khi đơn hàng xuất khẩu giảm sút, nhu cầu tiêu dùng yếu… khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh kém khả quan.

Theo bà Phùng Thị Thanh Bình, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), tại Agribank, tín dụng chỉ tăng ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, còn ở các khu vực khác, tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp, thậm chí còn tăng trưởng âm.

Bà Phạm Thị Trung Hà – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cũng đánh giá, do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn nên tăng trưởng tín dụng quý I và tháng 4/2023 không cao. Bà Hà kiến nghị, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện cho DN tiêu thụ được hàng hóa.

Ông Phạm Quang Thắng – Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) cũng nhận định, hiện nay các doanh nghiệp (DN) khá thận trọng khi vay vốn bởi các DN xuất khẩu thì thiếu đơn hàng mới, DN bất động sản thì thiếu dự án mới... dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá, nhìn chung tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thấp, nguyên nhân do khó khăn của nền kinh tế, thị trường bất động sản gặp khó, nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ các ngân hàng. Chẳng hạn như vấn đề liên quan đến bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng bị siết lại, khiến nguồn thu bị ảnh hưởng nên ngân hàng phải đẩy lãi suất cho vay lên cao hơn để bù lại. Chưa kể một số ngân hàng huy động thấp song cho vay cao, nới mức chênh lệch lên lớn hơn rất nhiều.

Lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng trong thời gian tới cần tập trung thúc đẩy tín dụng, với tinh thần chia sẻ khó khăn với DN. Toàn ngành ngân hàng cần triển khai có hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

"Các ngân hàng cần nhìn nhận lại về hoạt động tín dụng không chỉ là một kênh mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, mà còn là nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao phó nhằm thực hiện mục tiêu đồng hành, hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.

Cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng bất động sản

Về câu chuyện tăng trưởng tín dụng thấp được chính các ngân hàng giải thích, ngoài nguyên nhân đơn hàng xuất khẩu thiếu, DN không vay vốn thì còn có nguyên nhân do bất động sản đóng băng.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng hiện đạt trên 5%, vay vốn mua nhà tại ngân hàng cũng giảm sút. BIDV đang tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên, vẫn đang chờ Bộ Xây dựng công bố danh mục dự án để triển khai cho vay. Thời gian qua các thủ tục pháp lý liên quan đến bất động sản tương đối chậm, do đó cần thời gian để triển khai. Hiện tại các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng các dự án đều vướng mắc, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm.

Để hỗ trợ thị trường bất động sản, nhiều cuộc họp liên ngành đã được triển khai, NHNN cũng đã có những động thái gỡ khó cho thị trường bất động sản. Với riêng lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo NHNN cho biết thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN đã xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị trực thuộc triển khai.

Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ...

Bên cạnh đó, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá... Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn, nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số DN có nguy cơ rủi ro lớn.

Để hỗ trợ thị trường bất động sản, nhiều cuộc họp liên ngành đã được triển khai, NHNN cũng đã có những động thái gỡ khó cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó khăn của thị trường không phải do tài chính mà chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý của dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tang-truong-tin-dung-van-cham-5716397.html