Tăng trưởng trong gian khó
Chưa năm nào, càng về cuối năm ngành nông nghiệp Việt Nam lại trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như năm nay, khi nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, thị trường bấp bênh... để mang tới những tin vui liên tiếp.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng ước đạt 33,18 tỷ USD, nhập khẩu ước khoảng 25,9 tỷ USD, xuất siêu 7,3 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2019 không nhiều và mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 - 43 tỷ USD vẫn còn “khá xa vời”, khi ngành nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức phía trước.
Nỗ lực để “bứt phá”
Mặc dù, trong năm qua, ngành nông nghiệp chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu gây hạn hán, thiên tai; dịch bệnh tả lợn châu Phi, lở mồm long móng lây lan mạnh cùng với giá cả xuất khẩu nông sản sụt giảm. Tuy nhiên, ngành vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ sự đóng góp tích cực của lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp. Đặc biệt, lâm nghiệp là lĩnh vực vẫn duy trì tốt sự tăng trưởng khá từ đầu năm cả trong sản xuất và xuất khẩu. Quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã giúp kéo dài chu kỳ kinh doanh và nâng cao sản lượng, đáp ứng phần lớn nhu cầu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu. Do đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 10 tháng năm 2019 ước đạt 59,1 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 33,18 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 25,9 tỷ USD, giảm 0,5%. Như vậy, thặng dư thương mại nông, lâm, thủy sản đạt 7,3 tỷ USD, cao hơn 664 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông sản Việt Nam đang hướng đến các thị trường mới giàu tiềm năng trên thế giới. (Ảnh minh họa)
Còn nhiều rào cản
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong thời gian tới, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm. Một “điểm tối” khác trong bức tranh nông nghiệp những tháng cuối năm là những thay đổi về mặt chính sách nhập khẩu của Trung Quốc; sự tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều mặt hàng nông sản giảm giá… đã dẫn đến sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Trong đó, rau quả là một trong những mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam, song từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu liên tục giảm. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, sản lượng rau quả xuất khẩu 9 tháng năm 2019 giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, sản lượng nhãn xuất khẩu giảm 43%, sầu riêng giảm 0,2%, dừa giảm 30,8%, dưa hấu giảm 26,3%... Bên cạnh đó, lúa gạo là mặt hàng xuất khẩu có sự sụt giảm lớn nhất. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, lượng gạo xuất khẩu 9 tháng năm 2019 giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Cùng với rau quả và gạo, nhiều mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm đáng kể.
Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do tác động tiêu cực của thời tiết bất thường làm giảm diện tích gieo trồng và sản lượng cây hàng năm (đặc biệt là lúa, rau màu); ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi.
Mặc dù Bộ và các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài nên vẫn xảy ra cháy rừng tại một số tỉnh miền Trung làm thiệt hại 1.900 ha rừng, gấp 5,4 lần diện tích bị thiệt hại năm 2018.
Đặc biệt, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường giảm, đặc biệt thị trường Trung Quốc (ước giảm 8%), EU (ước giảm 6,5%); giá và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng: cà phê, gạo, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn, tôm, cá tra giảm sâu.
Mặc dù, thời gian qua ngành thủy sản đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để khắc phục các khuyến cáo của EC, nhưng tiến độ để giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản Việt Nam còn chậm, một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá theo yêu cầu,...
Cần một tầm nhìn, một quyết tâm “vượt khó”
Thực tế đang đặt ra nhiều thách thức về tính bền vững của phát triển toàn ngành nông nghiệp. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, toàn ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển sản xuất, thúc đẩy các lĩnh vực, sản phẩm có ưu thế, triển vọng thị trường.
Đặc biệt, Bộ đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu... Đồng thời, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường.
Thực tiễn phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại ở các quốc gia tiên tiến, cũng như ở Việt Nam cho thấy, nông dân vẫn còn thiếu thông tin, nhất là về thông tin khoa học và thị trường. Do đó, Bộ cũng cần nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, nông dân thường có tâm lý chạy theo phong trào, đổ xô cùng làm khi thấy loại cây trồng, vật nuôi nào đó đang có giá, mà không biết thị trường tiêu thụ thời gian tới ra sao. Bài học về hàng trăm xe thanh long ùn ứ tại của khẩu Tân Thanh cuối tháng 10 vừa qua vẫn còn nguyên tính thời sự. Câu chuyện “nền nông nghiệp giải cứu”, chặt bỏ khi giá xuống thấp, ồ ạt nuôi, trồng khi giá lên cao sẽ còn tiếp diễn nếu không có những khuyến cáo, định hướng nông dân để tránh rủi ro, tổn thất.
Nông nghiệp Việt Nam 10 tháng qua tuy đạt được nhiều thành tích quan trọng, nhưng tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, tất cả những thách thức, những mong muốn của chúng ta đang còn ở phía trước, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa với một tâm thế, một tư duy, một tầm nhìn mới và một quyết tâm hành động của cả ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-truong-trong-gian-kho-post69910.html