Tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng

Dưới nắng xuân trải dài, hàng ngàn ha cây ăn quả vươn cành khoe sắc, từng đàn gia súc đóng góp nguồn thu không nhỏ cho hàng ngàn hộ nông dân; bộ mặt nông nghiệp, nông thôn với nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng từng bước được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ dân được nâng lên. Quan trọng hơn, người dân đã biết đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... Tất thảy là những câu chuyện đầu xuân của các lão nông, nhà kinh doanh nhiều năm gắn bó với đồng vốn vay từ hệ thống Agribank Chi nhánh tỉnh Sơn La.

Tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng

Tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng

Nhìn lại một năm tổ chức kinh doanh, mặc dù chịu tác động mạnh từ những diễn biến bất thường, khó lường của khí hậu, thời tiết gây nhiều thiệt hại đến sản xuất và đời sống của nhiều hộ vay vốn, cùng với đó là cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt... Agribank Chi nhánh tỉnh Sơn La đã bám sát chỉ đạo của ngành Ngân hàng và tỉnh kịp thời điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo đúng định hướng. Ban hành hệ thống các văn bản, quy định, quy chế theo đúng quy định của Agribank, của NHNN, làm cơ sở để chỉ đạo điều hành trong toàn Chi nhánh. Phối hợp với chính quyền địa phương từ tỉnh xuống huyện, các hội, đoàn thể: Hội nông dân, hội phụ nữ để chuyển tải vốn đến vùng sâu, vùng xa. Ưu tiên nguồn vốn để phát triển nông nghiệp nông thôn theo các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị thông qua việc giảm bớt các thủ tục, giấy tờ cho khách hàng, trang bị các phương tiện hiện đại như máy ATM, dịch vụ Pos, Qrcode giúp khách hàng gửi, rút, chuyển khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại nhanh chóng, thuận tiện. Tổ chức tốt các điểm giao dịch lưu động, giảm thiểu chi phí đi lại của khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, 100% thực hiện giao dịch một cửa đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho khách hàng. Trong năm, đơn vị đã cung cấp trên 200 sản phẩm dịch vụ đa dạng, hiện đại như 21 ATM, CDM (máy gửi rút tiền tự động), 59 POS, 162 Qrcode, hệ thống thanh toán online qua Internet banking, I-banking, POS, QR-code... phục vụ 24/24, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an toàn và tiện lợi cho khách hàng. Đồng thời, triển khai Đề án phát triển dịch vụ thẻ và cho vay thấu chi tại địa bàn nông thôn, đã phát hành 209 thẻ, đăng ký thấu chi 173 khách hàng, hạn mức thấu chi 1.814 triệu đồng. Việc triển khai Đề án đã góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen ở các địa bàn nông thôn trong tỉnh. Cùng với đó, Chi nhánh đã thành lập 42 điểm giao dịch đến các bản, xã. Trong đó, huyện Mai Sơn và Mộc Châu có giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng, giúp bà con ở vùng sâu vùng xa có điều kiện thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn và các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng. Năm 2019, tổng nguồn huy động của đơn vị đạt 7.500 tỷ đồng; tăng 377 tỷ, tốc độ tăng trưởng 5,3%. Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ 15.465 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 1.344 tỷ đồng (tăng 9,5%) so năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn 13.199 tỷ đồng, chiếm 85,3% tổng dư nợ; tạo điều kiện cho các hộ thuộc các xã vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay để hạn chế tín dụng đen. Trong năm nợ xấu chỉ chiếm 0,9% trên tổng dư nợ, dưới ngưỡng khống chế của NHNN là 3%.

HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Lâm, bản Tân Ban, xã Phiêng Ban (Bắc Yên), thành lập tháng 9/2015, đến nay HTX có 11 thành viên, với 11 ha đất sản xuất trồng nhãn, xoài, bưởi da xanh, na Thái, 4 năm trước, đất sản xuất của HTX chỉ là khu đất đồi dốc, cằn cỗi, bạc màu, đến nay, đã được phủ xanh bởi vườn cây ăn quả quanh năm xanh tốt. Năm 2019, vườn cây bắt đầu cho thu 16 tấn nhãn, 11 tấn xoài, giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg nhãn và 14.000 đồng/kg xoài, lãi hơn 550 triệu đồng. Sang năm 2020, vườn cây ăn quả sẽ cho sản lượng lớn hơn và thu nhập hàng năm sẽ tăng dần. Anh Cầm Văn Cương, Giám đốc HTX cho biết: Có được thành quả như hôm nay là nhờ được vay vốn của Agribank. Diện tích nhãn của HTX đã được Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận VietGAP từ năm 2018. Chúng tôi đang liên kết với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ nông sản theo chuỗi.

Là khách hàng đã gắn bó với Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu 17 năm qua, bà Nguyễn Thị Tú, bản Nam Tiến, xã Bon Phặng (Thuận Châu), nói: Nhân viên Agribank rất thân thiện, nhiệt tình, sẵn sàng hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm và vay vốn khi cần để đầu tư phát triển sản xuất. Gia đình tôi có 12 ha đất sản xuất, những năm trước, chỉ trồng thông, bạch đàn xen cây cà phê dưới tán cho thu nhập thấp. Nhận thấy trồng cây ăn quả cho thu nhập cao, từ năm 2017 đến nay, tôi đã vay Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu 3 tỷ đồng để đầu tư trồng 400 gốc bưởi da xanh, 3.300 gốc cam ruột đỏ, 2.000 gốc thanh long, 500 cây mận hậu, 1.200 cây nhãn, 600 cây bơ, 1.500 gốc chanh leo... và trồng xen bí, khoai lang.

Là hộ chuyên thu mua, chế biến nông sản với khoảng 30-40 nghìn tấn ngô, sắn/năm, cơ sở của anh Nguyễn Như Trí ở HTX 7, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) cần lượng vốn khá lớn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Anh Trí chia sẻ: 19 năm nay, tôi luôn chọn Agribank Sơn La là nơi gửi tiền và vay vốn khi cần thiết. Hiện tại, tôi đang vay Agribank Chi nhánh Sơn La 10 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi giành cho cơ sở thu mua, chế biến nông sản. Agribank Sơn La luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho khách hàng.

Có thể khẳng định, nguồn vốn từ hệ thống Agribank, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có bước phát triển đột phá, hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa, các mô hình liên kết trong sản xuất kinh doanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Khánh Vân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tang-truong-va-nang-cao-chat-luong-tin-dung-28209