Tăng trưởng vượt kỳ vọng, doanh nghiệp thép 'sáng cửa' nửa cuối năm
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều bất định, ngành thép Việt Nam đã cho thấy sức bật vượt kỳ vọng trong nửa đầu năm nay với lực đẩy từ thị trường nội địa và giá nguyên vật liệu neo thấp, mở ra dư địa tăng trưởng cho nửa cuối năm.
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lũy kế 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thép thành phẩm trong nước đạt 15,8 triệu tấn và sản lượng thép tiêu thụ trong nước đạt 15,7 triệu tấn, lần lượt tăng 9,7% và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Riêng trong tháng 6/2025, dù là thời điểm mùa mưa, sản lượng toàn ngành thép vẫn đạt 2,7 triệu tấn và sản lượng tiêu thụ đạt gần 2,5 triệu tấn, lần lượt tăng 12,2% và tăng 5,1% so với cùng kỳ.
VSA đánh giá các số liệu này cho thấy nhu cầu trong nước vẫn duy trì đà phục hồi tích cực khi hoạt động xây dựng bất động sản dần tăng tốc và Chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Đáng chú ý, trong quý 2 vừa qua, sản lượng thép toàn ngành ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 13,4% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 8,3 triệu tấn. Đồng thời, tiêu thụ thép tăng trưởng 8,7%, đạt 8,2 triệu tấn, cho thấy thị trường đang bước vào chu kỳ mới.

VSA đánh giá ngành thép Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với lực đẩy chủ yếu đến từ thị trường nội địa.
Đối với hoạt động xuất khẩu, mặc dù xuất khẩu thép toàn ngành trong quý 2/2025 giảm 29% so với cùng kỳ năm 2024, còn 1,4 triệu tấn do sức ép từ các rào cản thuế quan, nhưng xuất khẩu trong riêng tháng 6/2025 đã tăng 1,9% về kim ngạch (đạt 611,5 triệu USD) và 4,3% về khối lượng (đạt 931.365 tấn) so với tháng 5/2025.
Ngoài ra, các sản phẩm từ sắt thép ghi nhận tăng trưởng đột phá, với kim ngạch tháng 6/2025 đạt 472,4 triệu USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy nhiều doanh nghiệp thép đã bắt đầu thích nghi và tìm ra thị trường ngách, cũng như tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ ra nước ngoài, VSA nhận định.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 5,6 triệu tấn, trị giá 3,7 tỷ USD, giảm 13% về lượng và tới 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh lực đỡ từ nhu cầu trên thị trường nội địa, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong thời gian qua còn được hỗ trợ từ việc giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục xu hướng giảm.
Trong tháng 6/2025, giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt đạt trung bình 94,5 USD/tấn, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024 và giảm 4,69% so với tháng 5/2025. Trong nửa đầu năm nay, giá quặng sắt đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, còn trung bình 100,7 USD/tấn.
Tương tự, giá than mỡ luyện cốc trong tháng 6/2025 đã giảm 28,4% so với cùng kỳ năm 2024, còn 178 USD/tấn. Bình quân 6 tháng đầu năm nay, giá loại nguyên liệu này đã giảm 33,1%, còn 184,6 USD/tấn, giúp các doanh nghiệp thép sản xuất theo phương pháp lò cao tối ưu chi phí sản xuất.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp thép sản xuất theo phương pháp lò điện hồ quang, giá thép phế liệu trong 6 tháng đầu năm nay duy trì quanh mức 334-335 USD/tấn, thấp hơn gần 12% so với năm ngoái.
Đối với các doanh nghiệp tôn mạ, giá thép cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu sản xuất chính hiện đang ở mức 491 USD/tấn, giảm nhẹ 2 USD/tấn so với thời điểm cuối quý 2/2025. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, giá HRC đã giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trung bình 495 USD/tấn.
VSA nhận định, ngành thép Việt Nam cho thấy sức bật tốt hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm nay trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều bất định. Với nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng trưởng tích cực, xuất khẩu dần phục hồi, và chi phí nguyên liệu neo thấp, hoạt động sản xuất của toàn ngành được kỳ vọng ở mức tích cực trong nửa cuối năm nay.
Đồng quan điểm như trên, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Maybank dự báo, doanh số tiêu thụ thép toàn ngành trung bình tháng trong quý 3/2025 sẽ duy trì ở mức tương đương tháng 6/2025 cho dù đây là mùa thấp điểm. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm đầu ra dự kiến sẽ được cải thiện nhờ hiệu ứng tâm lý tích cực lan tỏa từ thị trường Trung Quốc.