Kinh tế tư nhân Trung Quốc trước cơ hội nâng cấp
Kinh tế tư nhân vừa là lực đỡ tăng trưởng, vừa là phép thử tái cấu trúc trong 'giai đoạn bản lề' của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua có sự đóng góp lớn từ khu vực tư nhân. Ảnh minh họa. (Nguồn: Wionews)
Kể từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc (1978), trải qua hơn bốn thập kỷ triển khai quyết sách cải cách mở cửa, Trung Quốc vươn lên như một mắt xích trọng yếu của toàn cầu hóa, đồng thời nuôi dưỡng một khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng vai trò chủ lực trong tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế quốc gia.
Bước sang giai đoạn mới, khi các lợi thế bên ngoài thu hẹp và động lực truyền thống suy yếu, kinh tế tư nhân ở Trung Quốc đang đối mặt một loạt thách thức cấu trúc, nhưng đồng thời mở ra cơ hội nâng cấp giá trị thông qua Chiến lược tuần hoàn kép, Chiến lược toàn cầu hóa mới và cải cách thể chế hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân...
Khu vực tư nhân trỗi dậy
Trong bài phân tích tiêu đề “Trung Quốc phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động”, GS. Hà Bình, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 40 năm có sự đóng góp lớn từ khu vực tư nhân.
Việc Trung Quốc tham gia sâu vào phân công lao động toàn cầu sau cải cách mở cửa đã tạo ra giai đoạn tăng trưởng nhanh hiếm có, đi kèm quá trình tối ưu hóa cơ cấu và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực then chốt. Trong chặng đường này, kinh tế tư nhân tăng trưởng liên tục và trở thành nguồn đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng chung.
Ở giai đoạn đầu cải cách chuyển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế hàng hóa, thị trường, nhiều doanh nghiệp nông thôn mạnh dạn rời nông nghiệp để bước vào thương mại và sản xuất, “tiếp sức” cho nền kinh tế trong bối cảnh hệ sinh thái thị trường còn sơ khai. Đây là lớp “doanh nhân cải cách” đầu tiên đặt nền móng cho sự năng động của khu vực tư nhân Trung Quốc.
Sau giai đoạn tiếp nhận nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa, tận dụng mở cửa, thu hút vốn và công nghệ, làn sóng Internet bùng nổ tiếp tục khuếch đại lợi thế của khu vực này trong nền kinh tế. Công nghệ thông tin thay đổi sâu sắc hệ sinh thái thương mại và cấu trúc cạnh tranh, nhiều mô hình kinh doanh đã thành công ở phương Tây nhanh chóng được “nội địa hóa” qua nền tảng số, lan tỏa từ đô thị sang nông thôn. Chính sự bùng nổ này tạo ra thế hệ doanh nhân tư nhân mới, nâng chuẩn cạnh tranh và mở rộng thị trường nội địa.
Nhờ tích lũy năng lực qua các giai đoạn trên, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc giữ “vai trò đầu kéo”, chuyển mô hình tăng trưởng từ dựa vào yếu tố sản xuất đầu vào sang đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu của GS. Hà Bình cho thấy, khu vực tư nhân hiện chiếm tới 78% tổng chi cho R&D của Trung Quốc, đóng góp hơn 70% thành tựu đổi mới công nghệ, tập trung 80% các doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh nhất và 90% doanh nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Cùng với sự thay đổi của môi trường bên ngoài, tầm quan trọng chiến lược của khu vực tư nhân Trung Quốc còn nằm ở những đóng góp quan trọng cho chiến lược phát triển vươn ra toàn cầu. Trong đó, chính các doanh nghiệp tư nhân được kỳ vọng trở thành lực lượng đi đầu đưa sản phẩm, công nghệ và mô hình kinh doanh “Made in China” bước ra sân chơi quốc tế.
Trọng trách trên vai
Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thay đổi lớn chưa từng có, trong đó, những điều kiện từng “nâng đỡ” khu vực tư nhân đang thay đổi sâu sắc.
Về bên ngoài, nhu cầu từ các thị trường chủ chốt như châu Âu, Mỹ suy giảm do nợ công cao và tăng trưởng chững lại, không còn theo kịp năng lực sản xuất của Trung Quốc. Căng thẳng thương mại với phương Tây và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ở trong nước, tăng trưởng khó có thể dựa vào các động lực cũ như lợi thế dân số và chi phí lao động thấp hay đầu tư công. Thêm vào đó là gánh nặng nợ doanh nghiệp cao; bong bóng bất động sản hút nguồn lực kinh tế khỏi khu vực sản xuất thực...
Phân tích của GS. Hà Bình chỉ ra nhiều thách thức mà con đường phát triển kinh tế tư nhân phải đối mặt. Đơn cử, khi lợi ích từ cải cách, toàn cầu hóa và Internet dần biến mất, một thách thức nổi bật là mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có thể sẽ chuyển từ hợp tác sang cạnh tranh. Tất nhiên, về quy mô và khả năng tiếp cận nguồn lực, khối tư nhân thường ở thế yếu hơn.
Đứng trước hàng loạt thách thức, nền kinh tế số một châu Á đã đưa ra Chiến lược phát triển tuần hoàn kép, trong đó làm nổi bật vai trò của kinh tế tư nhân. Theo các nhà phân tích, Chiến lược tuần hoàn kép là bước phát triển tiếp theo của tiến trình cải cách, mở cửa, được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới, nhằm xây dựng mô hình tăng trưởng cân bằng, bền vững, tăng cường tự chủ kinh tế và công nghệ.
Để hiện thực hóa mô hình này, Trung Quốc đồng thời triển khai nhiều chuyển đổi về động lực và phương thức phát triển, lấy thị trường trong nước làm chủ đạo thay cho định hướng mở cửa ra bên ngoài; từ xuất khẩu - đầu tư sang tiêu dùng - sáng tạo công nghệ; từ sản xuất, tiêu dùng hàng giá rẻ sang hàng hóa, dịch vụ cao cấp; từ thu hút - chuyển giao - mô phỏng nước ngoài sang tự chủ sáng tạo; từ “đổi thị trường lấy công nghệ” sang bảo vệ thị trường nội địa phục vụ sáng tạo; từ tham gia các chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu sang phát triển các chuỗi sản xuất - cung ứng do Trung Quốc dẫn dắt...
Theo GS. Hà Bình, trong bối cảnh nền kinh tế đã và đang chuyển hướng mạnh mẽ, kinh tế tư nhân Trung Quốc đang bước vào giai đoạn bản lề, từ hưởng lợi ngoại lực sang xây dựng nội lực; từ tận dụng quy mô sản xuất sang theo đuổi giá trị gia tăng cao; từ cùng thắng trong thị trường mở rộng sang cạnh tranh gay gắt trong không gian tăng trưởng chậm lại. Ở đó, trọng trách đổi mới và vươn ra toàn cầu, kể cả nhiệm vụ tăng trưởng “đặt lên vai” khu vực tư nhân, đòi hỏi họ cần liên tục tiến lên các nấc thang giá trị cao hơn.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-tu-nhan-trung-quoc-truoc-co-hoi-nang-cap-322123.html