Tăng trưởng xanh chú trọng hợp tác và thu hút nguồn lực
Các bên tham gia quá trình hợp tác cần hiểu đúng về kinh tế tuần hoàn với tất cả các ngành, các cấp độ, cần sự tham gia của tất cả các bên để thực hiện, đem lại tăng trường xanh.
Hôm nay (15/9), UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0”. Diễn đàn đã có các phiên thảo luận song song về các chủ đề cụ thể: Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh - Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0; Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững cho một siêu đô thị (như TP.HCM); Hợp tác Kinh tế tuần hoàn khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Hợp tác mang tính quyết định đối với tăng trưởng xanh
Ngay tại diễn đàn, một số quỹ đầu tư, tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài cho biết, sẽ tham gia vào việc cung cấp cấp nguồn tài chính linh hoạt cho chuyển đổi năng lượng xanh của doanh nghiệp Việt Nam. Ông Aguin Toru, Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Hà Nội cho biết, hiện Nhật Bản đang thúc đẩy các chính sách giảm thải carbon. Ngân hàng mong muốn hỗ trợ kỹ thuật, tài chính linh hoạt cho các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam và DN Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này, như phát triển năng lượng mặt trời áp mái, năng lượng tái tạo khác...
Ở các phiên thảo luận, nhiều đại biểu quốc tế cho rằng, trước hết cần hiểu đúng về kinh tế tuần hoàn với tất cả các ngành, các cấp độ, cần sự tham gia của tất cả các bên để thực hiện, đem lại tăng trường xanh. Kinh tế tuần hoàn hấp dẫn DN vì giải quyết được các vấn đề về môi trường, tài nguyên, đem lại cơ hội về phát triển kinh tế và xã hội. Đồng thời, đi kèm đó là thách thức khi thực hiện kinh tế tuần hoàn, như năng lực của DN khi tích hợp các giải pháp vào sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, cơ chế chính sách, tài chính cho chuyển đổi…
Nhiều quốc gia đang nỗ lực tổ chức các hoạt động mang tính toàn cầu, khu vực về kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn đối với mỗi quốc gia đều có những thách thức riêng nên cần có những giải pháp cụ thể và phù hợp nhưng lại phải hợp tác với nhau để thực hiện những mục tiêu chung về giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu...
Tiến sỹ Philipp Rosler, Nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ cho rằng, chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cần sự hợp tác của rất nhiều bên, gồm nhà quản lý, nhà kinh tế, nhà khoa học, truyền thông, người dân, nói chung là của toàn bộ xã hội. “Chỉ khi các bên, các quốc gia hợp tác với nhau mới có thể hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn. Vấn đề toàn cầu nên phải hợp tác với nhau để đưa ra giải pháp toàn cầu”, Tiến sỹ Philipp Rosler khẳng định.
Chủ động thay đổi tư duy
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, việc chủ động thay đổi tư duy là một lợi thế và là động lực để cơ cấu lại nền kinh tế, song cần có cơ chế thử nghiệm và khung chính sách, tài chính để DN có những hướng đi rõ ràng trong hành trình hướng tới giảm phát thải bằng 0.
Theo ông Sebastain Eckardt, Giám đốc Khối Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Khu vực châu Á- Thái Bình Dương, để thu hút nguồn lực tài chính chuyển đổi và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Chính phủ cần tạo ra môi trường hấp dẫn, thị trường năng lượng minh bạch, công bằng về giá.
Nhà đầu tư làm sao thuận lợi tiếp cập tham giá đầu tư công qua hình thức PPP để phát triển các dự án chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng xanh, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Khi phát triển các khu công nghiệp cần tính đến yếu tố phát phát triển bền vững, có sự hỗ trợ cho các ngành bị tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi năng lượng này.
Tham gia thảo luận, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) cho rằng, cùng với nhiều cơ hội, TP.HCM và các địa phương cũng đương đầu với nhiều thách thức. Việt Nam hiện vẫn chưa có khung pháp lý hoàn thiện để áp dụng, thúc đẩy thay đổi tư duy kinh tế tuần hoàn, thay đổi công nghệ… Cần nhất lúc này là thống nhất tư duy xuyên suốt, có hệ thống từ Trung ương đến địa phương để tận dụng tối đa các lợi thế trong chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.
“Sắp tới tư duy phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải thay đổi cách tiếp cận, theo cách thức là tạo ra những chiến lược mang tính dài hơi hơn, không chỉ là trong ngắn hạn. Chúng ta sẽ phải có những giải pháp, cách thức cụ thể để hỗ trợ cho DN chuyển đổi và kinh doanh một cách hiệu quả nhất”, bà Minh nêu.
TP.HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Tuy vậy, TP.HCM cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất với 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước.
Về cơ bản nền kinh tế của TP.HCM chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và đang bước đầu hướng đến kinh tế tuần hoàn, xanh hóa, bảo vệ môi trường với rất nhiều việc phải làm tích cực hơn. Chính vì vậy, cần sớm có chủ trương, lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn chi tiết hơn để TP.HCM tận dụng, tiếp cận nhanh nguồn tài chính xanh, nguồn vốn hỗ trợ từ các đối tác cho chuyển đổi và tăng trưởng xanh.