Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững
Mùa thu khiến nhiều người lại nhớ về Hà Nội với những 'cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ', những 'phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu' trong ca khúc nổi tiếng 'Nhớ mùa thu Hà Nội' của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Hà Nội không thể thiếu những “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, nhưng nghĩ rộng hơn đó chính là hồn cốt của một đô thị xanh. Mà không chỉ Hà Nội, ở đâu trên dải đất hình chữ S này cũng đều cần những không gian xanh. Điều đó không chỉ là chuyện của chữ nghĩa mà là của môi trường, là chuyện của sinh mạng trước những tác động âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt của biến đổi khí hậu, của hiệu ứng nhà kính, của đời sống công nghiệp, của sự phát triển nhanh chóng của các đô thị.
Đô thị xanh, theo kinh nghiệm của các nước phát triển thì phải có quy hoạch sử dụng đất đô thị hợp lý và bảo đảm không gian xanh. Phát triển đô thị trên cơ sở mật độ xây dựng thấp, hệ số sử dụng đất cao, bảo tồn văn hóa bản địa và di sản lịch sử, tiếp tục khai thác có hiệu quả tài nguyên, tạo không gian mở cho đô thị, nâng cao chất lượng hệ thống giao thông.
Hội Môi trường xây dựng Việt Nam từng đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể cho đô thị xanh với 7 tiêu chí: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên.
Kết quả nghiên cứu trên cơ sở hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) qua dự án Hỗ trợ kỹ thuật quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam cũng từng đưa ra tiêu chí cho một đô thị xanh phải là đô thị sử dụng tài nguyên bền vững, hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính và có đủ khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai xây dựng đô thị xanh nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như duy trì tính bền vững.
Những yếu tố cấu thành đô thị xanh theo dự án Hỗ trợ kỹ thuật quy hoạch đô thị xanh tại Việt Nam đã đưa ra 3 thành tố chính: Giảm khí nhà kính và đảm bảo nguồn hấp thụ khí thải. Đảm bảo khả năng phục hồi của đô thị, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đối phó hiệu quả với thiên tai. Đảm bảo hiệu quả bền vững của tài nguyên, giảm lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, áp dụng năng lượng mới, quản lý chất thải và tài nguyên nước.
Mùa thu năm nay cũng là dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 5/9/2022 thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Trưởng Ban Chỉ đạo và Phó Trưởng Ban là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam trong định hướng ở tầm quốc gia về tăng trưởng xanh, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Kế hoạch này không chỉ đặt ra mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, mà còn đưa ra phương thức để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn; lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu.
Cùng với đó là việc khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh; hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường; định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.
Ở tầm quốc gia, kể từ nay đã có Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh, nhưng vấn đề sẽ không chỉ dừng lại ở tầm quốc gia mà phải xuyên suốt sâu rộng đến từng địa phương, từng bộ, ngành. Vì thế, ngay từ bây giờ, chính các địa phương, các bộ, ngành cũng phải vào cuộc, lên kế hoạch triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030 sao cho hiệu quả và cụ thể.
Những dự án ồ ạt triển khai ngay cả khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được xử lý nghiêm khắc; những hành vi tiếp tay cho việc phá vỡ qui hoạch cần được ngăn chặn. Hành động ngay và hành động mạnh mẽ, kiên quyết để con cháu chúng ta giảm thiểu nguy cơ phải đối diện với những tai họa do chính hành vi của chúng ta tạo ra hôm nay.