Tăng trưởng xanh gắn với hệ sinh thái thông minh ở Bình Dương-Bài 3: Xây dựng hệ sinh thái thông minh, kiểu mẫu (Tiếp theo và hết)

Trong định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương, việc hình thành hệ sinh thái thông minh, kiểu mẫu mà cốt lõi là khu công nghiệp thông minh-sinh thái được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu nhằm bổ sung cho mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ hiện hữu. Để thực hiện định hướng này, tỉnh Bình Dương đã và đang nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển linh hoạt giữa kinh tế số và kinh tế xanh.

Linh hoạt, hài hòa giữa kinh tế số và kinh tế xanh

Các công nghệ kỹ thuật số đang tạo ra những thay đổi sâu sắc đối với sự phát triển mới của nền kinh tế, tạo tiền đề hình thành kinh tế số. Để giải bài toán “số và xanh”, Bình Dương đã linh hoạt xác định mục tiêu cho từng thời điểm, phát huy cao độ lợi thế của chuyển đổi số, kinh tế số và kinh tế xanh, hạn chế thấp nhất những yếu tố rủi ro, lấy lợi ích tổng thể, lâu dài, bền vững làm mục tiêu hướng tới.

 Các doanh nghiệp quốc tế tham quan Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương.

Các doanh nghiệp quốc tế tham quan Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương chia sẻ: "Kinh tế số và kinh tế xanh đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định. Việc ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ để thúc đẩy phát triển, nhất là trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải mạnh dạn đổi mới, nhưng cũng không quá mạo hiểm đánh đổi yêu cầu phát triển xanh và bền vững. Vấn đề là, phải biết nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ và dấn thân để tìm hướng đi đúng đắn.

Đó là lý do mà Tổng công ty Becamex IDC lựa chọn cả hai trong chiến lược phát triển của mình và tạo nền tảng vững chắc cho định hướng phát triển của Bình Dương".

Với vai trò là mắt xích quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương khẳng định vị thế không thể thiếu và có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của vùng, đặc biệt là tứ giác TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bình Dương hiện là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, có 29 khu công nghiệp (KCN) và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 13.000ha và đang khẩn trương thành lập KCN khoa học-công nghệ tại huyện Bàu Bàng do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.

Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp-khu đô thị-khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại... Có thể thấy, Bình Dương đang là điểm đến của nhà đầu tư trong và ngoài nước, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 3 cả nước, nhiều mô hình doanh nghiệp đang được nhân rộng ra các địa phương.

Thực tế ở Bình Dương cho thấy, việc tăng cường đầu tư vào số hóa và từng bước chuyển đổi số, góp phần đáng kể cải thiện việc sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp, nâng cao năng suất, tăng khả năng phân tích, xử lý thông tin, giảm chi phí và thúc đẩy phân công lao động.

Theo ông Vương Siêu Tín, Phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương, chuyển đổi số cải thiện mức độ tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp nhờ ý thức, trách nhiệm của người lao động, công nghệ, khả năng đầu tư trang thiết bị, máy móc chất lượng cao để giảm khí thải ô nhiễm, thân thiện với môi trường và bảo đảm tốt đời sống người lao động. Song, doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng và xác định lộ trình chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn, khả năng.

Việc Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển linh hoạt giữa kinh tế số và kinh tế xanh là phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Cùng với việc linh hoạt thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, Bình Dương cũng tích cực liên kết vùng, tăng cường kết nối các KCN, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp. Tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng chí Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: "Để tạo nên động lực mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Bình Dương không thể chỉ thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh mà phải thay đổi sang tư duy phát triển kinh tế vùng, đẩy mạnh phối hợp xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động chung của vùng; bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn vùng, nhất là lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn... Đón trước xu thế phát triển, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, KCN và nhiều yếu tố khác để làm "đòn bẩy" cho phát triển bền vững, kinh tế số, kinh tế xanh trong thời gian tới".

Thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thông minh, kiểu mẫu

Tháng 6 vừa qua, tại Bình Dương diễn ra hai sự kiện quan trọng là, các doanh nghiệp của tỉnh ký kết hợp tác với đối tác Nhật Bản để phát triển KCN thông minh, sản xuất thông minh và hội thảo về nghiên cứu tiền khả thi tiềm năng phát triển của KCN sinh thái trên địa bàn Bình Dương. Đây được coi là bước tiến quan trọng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sáng tạo, thông minh, kiểu mẫu, bổ sung cho mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ hiện hữu.

Theo ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC: "Ngoài việc cung cấp đầy đủ các hạ tầng dịch vụ, kỹ thuật và xã hội, Becamex sẽ chuyển đổi dần những KCN hiện hữu để mở rộng về hiệu quả và tính bền vững thông qua cải tiến mô hình quản trị, vận hành KCN để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư. Việc nâng cấp các KCN hiện hữu trở nên thông minh hơn, như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động".

Các đại biểu tham quan khu vực hệ sinh thái đổi sáng tạo tại thành phố mới Bình Dương.

Các đại biểu tham quan khu vực hệ sinh thái đổi sáng tạo tại thành phố mới Bình Dương.

Ngày 10-8, Diễn đàn Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2023 (WTCA APRM 2023) với chủ đề “Chuyển đổi số hoạt động các trung tâm thương mại thế giới” cũng chính thức khai mạc tại tỉnh Bình Dương (BCEC). Diễn đàn đánh dấu sự trở lại của các hoạt động kết nối đầu tư và giao thương sôi nổi tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tại đây, các thành viên của WTCA trên khắp khu vực tham dự trực tiếp và chia sẻ những phương pháp hay nhất, thảo luận về các kế hoạch trong tương lai và kết nối với nhau. Diễn đàn thúc đẩy việc chia sẻ và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả, doanh nghiệp từ nhiều quốc gia, xây dựng đổi mới sáng tạo đưa Bình Dương trở thành đô thị thông minh, hiện đại và phát triển bền vững, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, quảng bá thương hiệu Bình Dương với đối tác trong và ngoài nước.

Bà Crystal Edn, Giám đốc, Dịch vụ thành viên Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới đánh giá cao và nhìn nhận sự phát triển nhanh chóng của Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương, cũng như sự thúc đẩy phát triển từ phía tỉnh Bình Dương và Tổng công ty Becamex IDC với mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ thông minh và gắn liền với khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nó đã và đang thúc đẩy phát triển ngành thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân theo định hướng vùng đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, Bình Dương định hướng xây dựng các KCN khoa học-công nghệ với hàm lượng chất xám, năng suất và hiệu quả cao. Muốn đạt được điều đó, nhiều giải pháp về công nghệ thông minh, dữ liệu lớn... được nghiên cứu và áp dụng để các doanh nghiệp cùng có cơ hội chuyển đổi sản xuất, hội nhập chủ động và hiệu quả với quốc tế.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự phát triển KCN sinh thái ở Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm làm giàu tri thức, thu hút FDI và tiết kiệm chi phí. Bằng cách thiết lập KCN sinh thái được quốc tế công nhận, Bình Dương không chỉ thu được những hiểu biết có giá trị và giám sát hiệu suất mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và thu hút FDI.

Ngoài ra, việc triển khai KCN sinh thái giúp giảm chi phí sản xuất, cải thiện xếp hạng khử carbon và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nhà đầu tư và KCN.

Nhấn mạnh đến việc phát triển các KCN, cụm công nghiệp thông minh, hệ sinh thái công nghiệp-đô thị-dịch vụ thông minh, xanh trên địa bàn tỉnh, đồng chí Mai Hùng Dũng cho biết: Sự phát triển công nghiệp bền vững là một yếu tố quan trọng cho sự tiến bộ chung của tỉnh Bình Dương. Tỉnh định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh-sinh thái, bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị; thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.

Vấn đề quan trọng là, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thông minh, kiểu mẫu ở Bình Dương, từng bước hiện thực hóa mục tiêu, định hướng phát triển bền vững của tỉnh theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bài và ảnh: PHI HÙNG - YẾN LONG - HỒNG GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-truong-xanh-gan-voi-he-sinh-thai-thong-minh-o-binh-duong-bai-3-xay-dung-he-sinh-thai-thong-minh-kieu-mau-tiep-theo-va-het-738836