Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh: Tiền đề để phát triển bền vững
Trong nhiều thế kỷ trước, các quốc gia trên thế giới đã theo đuổi mô hình kinh tế nâu. Mô hình kinh tế nâu giúp các nước đạt được tốc độ tăng trưởng cao thời gian dài, nhưng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Ngày nay, các nước đang nỗ lực từ bỏ kinh tế nâu và hướng tới kinh tế xanh.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để tham gia xây dựng kinh tế xanh. Để hiểu rõ về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, tiến sĩ Mai Chiếm Hiếu, Phó trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực II, đã có chia sẻ với Báo Đồng Nai về nội dung này.
Vì hạnh phúc và công bằng xã hội
* Thưa ông, tác hại của kinh tế nâu là gì?
- Nói một cách dễ hiểu, kinh tế nâu là phát triển kinh tế trước, xử lý ô nhiễm sau. Nền kinh tế nâu giúp các nước đạt được tăng trưởng cao thời gian dài nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm không khí, nguồn nước, đại dương; gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, việc từ bỏ kinh tế nâu và hướng tới kinh tế xanh là tất yếu. Nếu không có sự thay đổi, các quốc gia sẽ phải đánh đổi phần lớn lợi ích từ phát triển kinh tế cho các chi phí môi trường và xã hội, từ đó không thể đạt được sự phát triển bền vững.
* Vậy theo ông, tăng trưởng xanh và kinh tế xanh có ý nghĩa như thế nào?
- Kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải carbon sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội.
Kinh tế xanh là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: kinh tế (xóa đói giảm nghèo, phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy tăng trưởng...); môi trường (đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo tồn sinh thái, môi trường, quản lý sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu... Đây là yếu tố quan trọng mang tính quyết định, then chốt của phát triển kinh tế xanh); xã hội (nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đáp ứng nhu cầu việc làm, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội...). Ba yếu tố trên được cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững của kinh tế xanh.
Về tăng trưởng xanh, có nhiều quan điểm về khái niệm này. Trong đó, theo Tổ chức Sáng kiến tăng trưởng xanh của Liên hợp quốc, tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính; giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội.
Còn ở Việt Nam, tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển bền vững...
Để tiếp tục thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, Đồng Nai cần thực hiện kiểm kê carbon, giảm carbon chặt chẽ, hiệu quả. Thực hiện tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng mặt trời. Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính xanh. Phát triển nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là nguồn nhân lực trong khu vực công. Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông đảm bảo đồng bộ.
Đồng Nai đi đầu về kinh tế xanh
* Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh đang ở mức nào, thưa ông?
- Từ năm 2011 khi bắt đầu triển khai và thực hiện kinh tế xanh, với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cùng với nhận thức của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của kinh tế xanh, hành vi sản xuất và tiêu dùng có nhiều thay đổi đáng kể và được cải thiện tích cực. Ngày càng có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển kinh tế xanh.
Các cơ quan nhà nước đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2 đối với các ngành công nghiệp nặng…
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hoạt động kinh tế xanh Việt Nam tạo ra 6,7 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 và chiếm khoảng 2% tổng GDP toàn quốc. Trong đó, 83% đóng góp từ năng lượng tái tạo.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo kịp thời, hướng dẫn các địa phương rà soát, kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên; kịp thời xử lý vụ việc khai thác rừng trái phép, các điểm nóng về chặt phá rừng, nhất là các tỉnh Tây Nguyên. Việc thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc, do đó đã góp phần giữ vững và ổn định diện tích rừng, tỷ lệ che phủ rừng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, có những khó khăn, thách thức khi triển khai kinh tế xanh ở Việt Nam. Trong đó, phát thải CO2 năm 2022 của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng 184 quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho mục tiêu xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam còn khá hạn chế. Chất lượng nguồn lao động cho nền kinh tế xanh tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ khoa học - công nghệ cao của chiến lược phát triển kinh tế xanh.
Mặt khác, so với thế giới thì dây chuyền sản xuất và công nghệ ở Việt Nam phần lớn là cũ và lỗi thời, tiêu tốn khá nhiều nhiên liệu và năng lượng. Hành lang pháp lý, hệ thống pháp luật vẫn chưa thật sự đồng bộ, chưa có văn bản pháp luật cụ thể quy định về năng lượng xanh và năng lượng tái tạo...
* Ông có nhận xét gì về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh ở Đồng Nai?
- Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước. Đây là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, nó cũng để lại không ít hệ lụy, nhất là về môi trường.
Nhận thấy điều đó, những năm sau này, tỉnh đã chuyển hướng sang thu hút đầu tư “xanh”, chỉ thu hút dự án có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn, ít thâm dụng lao động và ít nguy cơ xâm hại đến môi trường. Đồng thời, đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải ở các khu công nghiệp. Nhờ vậy, tỉnh đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải trong các khu công nghiệp với hơn 70%; tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt được thu gom, xử lý đúng quy trình đạt 100%.
Đối với các khu công nghiệp hình thành trước đây, tỉnh đề nghị chủ đầu tư đầu tư công nghệ để tái chế chất thải, bổ sung diện tích cây xanh và công trình tiện ích theo tiêu chí khu công nghiệp sinh thái, xanh.
Tỉnh cũng tiến hành di dời các cơ sở sản xuất nằm ở khu dân cư vào trong khu, cụm công nghiệp; chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 để giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của đề án nhằm đánh giá được đúng thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm thiểu khí carbon của tỉnh, góp phần thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của cả nước.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 261/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai. Ban chỉ đạo này sẽ nghiên cứu, đề xuất cho tỉnh phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh; triển khai thực hiện các quyết định, kế hoạch hành động, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về tăng trưởng xanh. Đồng thời, cũng là đơn vị thẩm định các nội dung đề án, dự án, kế hoạch và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ có liên quan đến tăng trưởng xanh của tỉnh...
Như vậy, Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên ở Việt Nam thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh, đây là lợi thế đón đầu và có những chính sách thu hút nguồn tín dụng, công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Một số kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi xanh của tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:
Về chỉ số PGI: nếu như năm 2022, Đồng Nai xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố thì năm 2023 đã vươn lên vị trí thứ 3, tăng 28 bậc trên bảng xếp hạng. Kết quả này phản ánh việc thực hiện chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp rất tốt.
* Xin cảm ơn ông !
Phương Hằng (thực hiện)