Tăng trưởng xanh - tiền đề cho sự phát triển bền vững
ĐTO - Thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai thực hiện Kế hoạch hành động TTX. Với những giải pháp phù hợp, các ngành, lĩnh vực ưu tiên TTX của tỉnh đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Người dân áp dụng hệ thống tưới phun tự động,góp phần giảm chi phí công lao động và tạo cảnh quan Làng hoa Sa Đéc
Phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên
TTX là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới, vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Đặc biệt, TTX là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu.
Nhận thức được tầm quan trọng của TTX đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh triển khai chương trình thông qua việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, xác định mục tiêu hướng đến xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững...
Với mục tiêu và hướng đi cụ thể, năm 2023, sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, nông sản được tiêu thụ thuận lợi, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt 49.478 tỷ đồng, tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các ngành, lĩnh vực ưu tiên TTX của tỉnh đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt phát huy lợi thế là ngành sản xuất chiến lược đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu trên cơ sở sử dụng đất nông nghiệp hợp lý, linh hoạt, hiệu quả, góp phần cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Năm 2023, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách linh hoạt hơn, ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn (lúa gạo chất lượng cao, rau màu, cây ăn trái). Ước giá trị sản xuất ngành trồng trọt năm 2023 đạt gần 30.300 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh cấp 1.151 mã số vùng trồng với tổng diện tích 99.351ha. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 6.541ha, diện tích được chứng nhận VietGAP là 4.868ha.
Việc phát triển chăn nuôi được cải thiện theo hướng trang trại tập trung, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường trong tỉnh. Đối với lĩnh vực thủy sản, tập trung phát triển thủy sản chủ lực (cá tra) thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm có thế mạnh (cá sặc rằn, cá lóc, cá rô, cá bè,...) gắn phát triển sản phẩm OCOP địa phương phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; nghiên cứu phát triển đối tượng tiềm năng cho giá trị kinh tế cao, góp phần tạo ra giá trị mới và nâng cao hiệu quả sản xuất. Ước năm 2023, giá trị sản xuất thủy sản đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch.
Lĩnh vực lâm nghiệp, thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, sử dụng hợp lý, phát triển bền vững tài nguyên rừng; giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng. Chú trọng công tác phát triển rừng, đặc biệt đối với rừng sản xuất. Chọn loài cây trồng phù hợp, cây giống đảm bảo chất lượng. Áp dụng các biện pháp chăm sóc và nuôi dưỡng rừng trồng tạo điều kiện để cây rừng sinh trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển tăng trưởng xanh
Đối với lĩnh vực thủy lợi và phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành Quyết định kiện toàn, phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo giúp chủ động kiểm soát, ứng phó với triều cường, thời tiết cực đoan, phòng, chống sạt lở bờ sông để bảo vệ công trình hạ tầng, diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản. Tập trung gia cố hệ thống bờ bao, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát và điều tiết lũ, đồng thời hỗ trợ sản xuất, phát triển các sinh kế khác ngoài 2 vụ lúa.
Đối với lĩnh vực phát triển nông thôn, tập trung phát triển các mô hình nông thôn mới gắn với ổn định đời sống dân cư, di dân ra khỏi các vùng sạt lở, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Tạo việc làm phi nông nghiệp tại chỗ theo Chương trình OCOP; tổ chức sản xuất gắn với phát triển các mô hình Hội quán, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã để xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản... Tăng cường hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ liên tỉnh, liên vùng nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm có ưu thế và tiềm năng...
Từ những chuyển biến tích cực đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên TTX của tỉnh trong năm qua, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đề ra các nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển TTX như: khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; hướng dẫn, chuyển giao khuyến khích người sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất góp phần nâng chất lượng sản phẩm. Đồng thời nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học quy mô trang trại, giảm đầu con theo hình thức chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ; hướng đến phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp; phát triển đối tượng thủy sản chủ lực (cá tra) thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng việc làm mới hoạt động công tác khuyến nông, lấy hợp tác xã nông nghiệp là nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững; phát triển các mô hình nông thôn mới gắn với ổn định đời sống dân cư, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong hoạt động xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục đổi mới phương pháp tiến hành thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, đảm bảo tiến độ các cuộc thanh tra được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật...