Tăng trưởng xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước cao hơn khu vực FDI
Về xuất khẩu, điểm sáng trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (tăng 8,7%) cao hơn khu vực FDI (tăng 7,3%) và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước (7,7%).
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 8 tháng năm 2023 của Bộ Công thương gửi báo chí tối 6-9, lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số PMI của ngành sản xuất Việt Nam đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 8-2023 (so với mức 48,7 điểm của tháng 7). Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện; sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng tăng trở lại... Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước, nên tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam vẫn giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%).
Về xuất khẩu, điểm sáng trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (tăng 8,7%) cao hơn khu vực FDI (tăng 7,3%) và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước (7,7%). Tính chung 8 tháng, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ giảm 2,5% so với mức giảm 9,3% của khu vực FDI (kể cả dầu thô).
“Điều này một mặt cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước so với khu vực FDI, nhưng một mặt cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp FDI vốn được xem là khu vực có thị trường và chuỗi cung ứng ổn định hơn”, Bộ Công thương đánh giá.
Đối với thị trường nội địa, trong tháng 8, nguồn cung hàng hóa bảo đảm, giá hàng hóa không có biến động bất thường so với tháng trước. Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng trong tháng 8 giảm so với tháng trước do thời gian nghỉ hè kết thúc, nhu cầu đối với các mặt hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị, vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng do học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới.
Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định, mặc dù nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối tháng 7 âm lịch. Riêng giá heo hơi tiếp tục có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào, một số địa phương xuất hiện trở lại dịch tả heo châu Phi, nên người chăn nuôi có xu hướng bán chạy dịch, đồng thời nhu cầu giảm do nhiều người có thói quen ăn chay trong tháng bảy âm lịch…
Bên cạnh đó, vẫn có những mặt hàng tăng giá như: xăng dầu, LPG, giá bán buôn đường kính trắng trong nước, giá gạo trong nước tăng khá mạnh, nhất là gạo nguyên liệu cho xuất khẩu. Những mặt hàng có xu hướng giảm giá như: thép xây dựng, thức ăn hỗn hợp cho heo…