Tăng tuổi nghỉ hưu để làm gì?
Sau khi Dự thảo Bộ Luật Lao động (LĐ) sửa đổi được công bố và bàn thảo vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn liên quan tới đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu (nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi). Tiền Phong có cuộc trao đổi với Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp – kiêm Phó Trưởng Ban soạn thảo Bộ Luật LĐ sửa đổi.
Ứng phó già hóa ngay từ khi dân số vàng
Chia sẻ về quan điểm Việt Nam hiện mỗi năm có khoảng 1 triệu LĐ thất nghiệp, nhưng lại tăng tuổi nghỉ hưu là chưa hợp lý, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng: Với 1 triệu người thất nghiệp của ta nếu so với tổng số 4,4 triệu LĐ của Singapore là rất lớn. Tuy nhiên, cùng 1 triệu LĐ đó so với 220 triệu LĐ của Mỹ chỉ như muối bỏ biển. Còn 1 triệu so với 55 triệu LĐ của Việt Nam chỉ chiếm 2,2% lực lượng LĐ. Theo bảng xếp hạng tỷ lệ LĐ thất nghiệp tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 2016-2018 của Tổ chức LĐ quốc tế (ILO), Việt Nam xếp thứ 8 trong nhóm các nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất (dưới 5%). “Hơn 1 triệu người thất nghiệp, bằng 2,2% lực lượng LĐ là con số không nhiều so với lực lượng LĐ nước ta”, ông Diệp nói.
Nhiều người băn khoăn, trong bối cảnh vẫn còn người thất nghiệp liệu có nên nâng tuổi nghỉ hưu?
Với thị trường LĐ, dù số việc làm lớn hơn số LĐ vẫn có người thất nghiệp (thiếu LĐ). Điển hình như Nhật Bản, cứ 4 vị trí việc làm chỉ có 1 ứng viên (thiếu 3 LĐ), nhưng nước này vẫn có tỷ lệ thất nghiệp 2,4% lực lượng LĐ. Bởi vì trong thị trường LĐ, luôn có người tới tuổi LĐ, người nghỉ làm để tìm việc khác tốt hơn; hay doanh nghiệp giải thể, phá sản, thu hẹp sản xuất nên LĐ mất việc... Do đó, thực tế có nhiều nước tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nước ta nhưng vẫn thiếu LĐ, phải tăng tuổi nghỉ hưu (tuổi nghỉ hưu cao hơn Việt Nam), tuyển thêm LĐ nước ngoài, như: Hàn Quốc (tỷ lệ thất nghiệp là 4,9%); Nhật Bản (2,4%); Đức (3,3%); Nga (6%)…
ILO khuyến cáo, để ứng phó với già hóa dân số, các quốc gia phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ngay từ khi còn dân số vàng. Do việc điều chỉnh tuổi hưu cần thời gian dài, tăng chậm trong nhiều năm, không phải chỉ trong 3-5 năm. Với Việt Nam, tốc độ già hóa dân số hiện rất nhanh nên cần giải pháp để ứng phó ngay từ giờ.
Cũng có lo ngại, tuổi thọ người Việt cao nhưng số năm sống khỏe để làm việc lại thấp, ông lý giải gì về điều này?
Theo Bảng xếp hạng về số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 của 183 nước do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 2016, Việt Nam có số năm sống khỏe sau tuổi 60 là 17,2 năm, đứng thứ 41/183 nước. Quốc gia đứng đầu bảng là Singapore với 22 năm, cuối bảng là Sierra Leone với 10,3 năm. Trong khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 5, trong Asean chúng ta chỉ sau Singapore. Đó là thành tựu đáng tự hào trong chăm sóc sức khỏe người dân.
Xử lý lao động đặc thù
Không ít người dẫn trường hợp LĐ đặc thù không nên tăng, như giáo viên mầm non, LĐ trực tiếp, hay lo công chức giữ ghế... Theo ông, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, các vấn đề này xử lý ra sao?
Đó là những thách thức của tăng tuổi nghỉ hưu. Do đó, tăng tuổi nghỉ hưu đòi hỏi quyết tâm rất lớn, được sự đồng thuận của phần lớn người LĐ và doanh nghiệp. Đồng thời, luôn có những trường hợp ngoại lệ, cần phương thức xử lý phù hợp. Theo tôi, LĐ đặc thù quốc gia nào cũng có, như giáo viên mầm non, các nước đều có cả. Theo kinh nghiệm các nước, với giáo viên mầm non, trong trường học có nhiều công việc khác nhau, nhiều nhóm trẻ khác nhau, khi lớn tuổi giáo viên có thể chuyển đổi công việc cho phù hợp. Điều này ngành giáo dục phải vào cuộc, tổ chức, sắp xếp lại lao động, công việc vừa giải quyết vấn đề LĐ vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ và gia đình trẻ...
Hay với công nhân trực tiếp sản xuất, các nước cũng gặp tình trạng này, nên nhiều nước có Luật chống phân biệt đối xử và thúc đẩy việc làm của LĐ lớn tuổi. Với doanh nghiệp, họ quan tâm nhất là chi phí, nên cần chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng LĐ lớn tuổi. Hiện Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư 70.000 tỷ đồng, nếu hỗ trợ doanh nghiệp trả cho LĐ lớn tuổi mỗi tháng 500 nghìn đồng, hoặc 1 năm 6 triệu đồng, chỉ cần 3.000 tỷ đồng có thể giúp nửa triệu LĐ lớn tuổi duy trì việc làm.
Với lo ngại nâng tuổi nghỉ hưu sẽ kéo dài tình trạng tham quyền, cố vị, điều này có thể sửa đổi chính sách để xử lý. Chẳng hạn, quy định người giữ chức vụ nào đó, như vụ trưởng, cục trưởng, thậm chí cả thứ trưởng chỉ được tới 60 tuổi, thời gian vượt tuổi đợi nghỉ hưu có trách nhiệm chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ trẻ... Điều này tương tự chính sách Nhật Bản đang áp dụng. Tóm lại, từng nhóm LĐ đặc thù cần thiết kế chính sách cho phù hợp sẽ xử lý được.
Xin cám ơn ông!
Tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm chậm lại đôi chút việc gia nhập thị trường LĐ của người trẻ, nhưng chưa tới mức người già chiếm chỗ của người trẻ.
Theo Dự thảo Bộ luật LĐ, ban soạn thảo đưa 2 phương án về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021. Cụ thể, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi 3 tháng với nam, và 55 tuổi 4 tháng với nữ; sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Hoặc, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi 4 tháng với nam, và 55 tuổi 6 tháng với nữ; sau đó, mỗi năm tăng thêm 4 tháng với nam và 6 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tang-tuoi-nghi-huu-de-lam-gi-1427833.tpo