Tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ hướng đến bình đẳng giới!
Theo báo cáo an sinh xã hội thế giới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng cách về tuổi nghỉ hưu thu hẹp dần trong một thập kỷ qua. Giai đoạn từ năm 2017-2019, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng chiếm 68,4%. Những nước có mức chênh lệnh tuổi nghỉ hưu 5 tuổi giữa nam và nữ ngày càng giảm. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo báo cáo an sinh xã hội thế giới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng cách về tuổi nghỉ hưu thu hẹp dần trong một thập kỷ qua. Giai đoạn từ năm 2017-2019, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng chiếm 68,4%. Những nước có mức chênh lệnh tuổi nghỉ hưu 5 tuổi giữa nam và nữ ngày càng giảm. Nếu trong giai đoạn 2010-2011, có 31,35% số nước có khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là 5 năm, thì đến giai đoạn 2017-2019, chỉ còn 23,3%.
Ở nước ta, khoảng cách tuổi hưu dẫn đến thiệt thòi về thu nhập cho nữ giới. Thu nhập của nữ giới luôn thấp hơn nam giới, vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nữ giới ngắn hơn nam giới 5 năm. Khoảng cách giới về lương hưu năm 2017 cho thấy, lương hưu của nữ chỉ bằng 84% nam giới, thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam khoảng 15%. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự tương thích với các Công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Công ước của ILO. Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra một số vấn đề mới về chính sách đối với lao động nữ như: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; Người lao động bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật bảo hiểm xã hội…
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, thời gian qua, ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý và đông đảo công nhân, viên chức, người lao động. Qua tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động, đa số ý kiến đồng ý điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1. Theo đó, kể từ 1-1-2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028. Phương án trên sẽ được đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân công trực tiếp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc sản xuất trực tiếp, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân từ 35-45 tuổi do độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của người lao động càng giảm, trong khi phải trả lương cao vì thâm niên làm việc. Mặt khác, tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân thì chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Nhiều lao động nữ, nhất là lao động nữ đang trực tiếp lao động trong các ngành dệt may cũng bày tỏ lo ngại khi khó có thể hoàn thành được công việc khi bước qua tuổi 55.
Vì vậy, mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra đề xuất mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật, xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động./.