Tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, ngày nghỉ ra sao?
Nhiều ý kiến tiếp tục góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về tăng tuổi hưu, giờ làm thêm và ngày nghỉ lễ trong năm…
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, cuối tuần này các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó sẽ bàn đến những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau như tăng tuổi hưu, giờ làm thêm, ngày nghỉ lễ trong năm…
Quảng Ninh đề xuất tăng ba ngày nghỉ
Mới đây, bà Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, đã gửi ý kiến góp ý về dự luật đến Bộ LĐ-TB&XH. Cụ thể, bà Lan đề xuất tăng thêm ba ngày nghỉ lễ trong năm (nghỉ một ngày vào Ngày gia đình Việt Nam 28-6 và tăng thêm hai ngày vào dịp tết dương lịch).
Nguyên nhân, hiện nay số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp (10 ngày nghỉ) so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Myanmar là 21 ngày; Philippines là 19 ngày; Thái Lan là 16 ngày; Trung Quốc 21 ngày; Nhật Bản 16 ngày).
Bên cạnh đó, việc tăng thêm ba ngày nghỉ lễ giúp người lao động (NLĐ) nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển. Hơn nữa, nhiều ngành kinh tế chủ yếu của Việt Nam là lao động di cư, địa hình đất nước lại trải dài theo hình chữ S nên việc tăng thêm ngày nghỉ lễ, tết là cần thiết cho sự di chuyển của NLĐ.
Nội dung trên cũng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị. Đồng thời Tổng Liên đoàn đề xuất thêm phương án hai là NLĐ có thể nghỉ Quốc khánh bốn ngày, từ ngày 2 đến 5-9 hằng năm (tăng thêm ba ngày). Theo Tổng Liên đoàn, phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho mọi người còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, cha mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học.
Tăng tuổi hưu như thế nào là hợp lý?
Bàn về tuổi hưu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng đồng ý với đề xuất tăng tuổi hưu của Chính phủ (từ năm 2021, mỗi năm tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ, để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và của nam là 62 tuổi vào năm 2028).
Tuy nhiên, đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù, trong đó có nghề khai thác than, khách sạn, nhà hàng, giáo viên mầm non... thì nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành (nữ 55, nam 60). “Trong đó, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… có thể nghỉ hưu sớm 12 năm so với quy định (dự luật hiện nay quy định năm năm)…” - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.
Bà Đỗ Thị Lan cho biết đoàn đại biểu cũng đề xuất giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp với các đối tượng, ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... trên tinh thần tăng tuổi nghỉ hưu của tất cả công chức, một bộ phận lớn viên chức và một bộ phận công nhân lao động.
Cùng quan điểm, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng Quốc hội chỉ quy định về nguyên tắc tăng tuổi hưu (năm tăng). Còn lộ trình tăng giao cho Chính phủ quy định, hướng dẫn cụ thể cho phù hợp với từng ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn cơ cấu thị trường lao động và xu hướng già hóa dân số.
Cơ quan này cũng cho rằng không nên quy định giới hạn tuổi nghỉ hưu không quá năm tuổi mà tùy thuộc năng lực, trình độ, sức khỏe NLĐ có thể làm đến tuổi cao hơn, không giới hạn năm năm so với quy định.
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng việc tăng tuổi hưu nên theo công thức: Công chức tăng tất cả, viên chức tăng một bộ phận lớn, công nhân lao động chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58 tuổi.
Hơn nữa, việc tiếp tục tăng giờ làm thêm tối đa là đi ngược lại với xu hướng giảm giờ làm việc của nhiều quốc gia trên thế giới khi mà năng suất, chất lượng lao động và mức độ phát triển khoa học kỹ thuật ngày càng tăng.
Nên cho lao động nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật?
Theo bà Đỗ Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị giảm thời giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Nguyên nhân, giúp NLĐ có thêm điều kiện nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, học tập nâng cao trình độ, chăm sóc con cái, tham gia sinh hoạt văn hóa... Mặt khác, tạo động lực để doanh nghiệp quan tâm cải tiến kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động...
Đồng tình quan điểm này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng hiện nay khu vực hành chính làm việc 40 giờ/tuần, còn khu vực doanh nghiệp làm việc 48 giờ/tuần là bất bình đẳng. Theo đó, đơn vị đề xuất giảm giờ làm việc khu vực kinh doanh, sản xuất xuống 44 giờ/tuần.
Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc cho rằng việc giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần cũng cần đặc biệt cân nhắc và phải có đánh giá tác động đầy đủ, khoa học và đảm bảo sự đồng thuận cao giữa NLĐ và người sử dụng lao động.
Tăng giờ làm việc tối đa, nên không?
Hội đồng Dân tộc cho rằng cần cân nhắc việc mở rộng khung làm thêm giờ tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm trong trường hợp đặc biệt. Vì giờ làm thêm tối đa mới được tăng từ 200 giờ/năm lên 300 giờ/năm theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, nếu tiếp tục tăng dễ tăng nguy cơ vắt kiệt sức NLĐ, không bảo đảm tái sản xuất sức lao động.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/tang-tuoi-nghi-huu-gio-lam-them-ngay-nghi-ra-sao-865350.html