Tăng tuổi nghỉ hưu tùy đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, ngành nghề
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 23/10, cho ý kiến vào Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), cơ bản tán thành với quy định tăng tuổi nghỉ hưu, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, đánh giá toàn diện các yếu tố, từ đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, ngành nghề… và cần được thiết kế linh hoạt hơn để Bộ luật mang tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.
Sau gợi ý thảo luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng về quy định tuổi nghỉ hưu (Điều 169), đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) dẫn dắt phần phát biểu của mình khá thuyết phục. Theo đại biểu này, ông tán thành với phương án 1, tức là tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Tuy nhiên, dẫn ý kiến của cử tri qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Vượt cho biết, dù xu hướng tăng tuổi hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động, song với thực trạng nền sản xuất trong giai đoạn hiện nay, cùng với chủ trương tinh giản biên chế thì tăng tuổi hưu cũng đồng nghĩa với tăng thất nghiệp mà thất nghiệp sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội.
“Người xưa đã đúc kết "nhàn cư vi bất thiện, bần hàn sinh đạo tặc" – Đại biểu Vượt nói và nhấn mạnh, thất nghiệp cũng chính là lãng phí nguồn lực vốn quý nhất cho gia đình, xã hội, cho đất nước và khẳng định quy định tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều tác động đến tâm tư của từng gia đình và cả xã hội.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực, nhân công trực tiếp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động, nhiều công nhân từ 35 - 45 tuổi, do độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của người lao động cũng giảm, trong khi phải trả lương cao vì thâm niên làm việc.
Bên cạnh nhu cầu về lao động vẫn có một bộ phận lao động trên 50 tuổi đã thấy sức khỏe kém, không phù hợp với công việc, có nguyện vọng không còn muốn tiếp tục làm việc, nhất là các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù, theo đó có thể được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm quy định. Như vậy, thực chất nam được nghỉ hưu sớm nhất ở tuổi 57 và nữ ở tuổi 55.
“Đối với thể trạng người Việt Nam với ngành nghề đặc biệt là không phù hợp, tôi đề nghị Quốc hội xem xét có thể nghỉ sớm hơn 10 năm so với quy định, theo đó nam là 52 tuổi và nữ 50 tuổi” – đại biểu nói và kiến nghị, khi quyết định tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến yếu tố đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.
Trong khi đó, cho ý kiến về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) tán thành với quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 3 tháng/1 năm và nữ là 4 tháng/ 1 năm, bảo đảm tính công khai, minh bạch ngay trong luật.
Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Vĩnh Phúc nêu băn khoăn với quy định tại khoản 3 về người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề công việc đặc biệt, nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, làm việc ở những nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá năm tuổi.
“Như vậy, những đối tượng đã được nghỉ hưu sớm hơn từ 5 năm đến 10 năm theo Bộ luật Lao động hiện hành nay theo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chỉ được nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi thì vô lý” – ông Tiến chỉ ra bất cập và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu những đối tượng nêu trên được nghỉ hưu sớm có thể đến 10 năm.
Khẳng định ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu như các đại biểu đã phát biểu trên, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) nêu thực trạng, với các lao động trí thức, lao động làm việc trong các khu vực văn phòng, lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, tài chính, y tế,… việc kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể khả thi vì họ vẫn còn đủ sức khỏe, kinh nghiệm, độ chín nghề nghiệp để làm việc.
Thế nhưng, với bộ phận lao động có mức tiền lương thấp, điều kiện sống chưa đảm bảo, nhất là đối với những công nhân lao động trực tiếp trong những ngành nghề thâm dụng lao động, như: dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản hoặc môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, thường có sự suy giảm sớm về sức khỏe và năng lực lao động. Như thế, “Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không đảm bảo an toàn lao động cho họ” – Đại biểu Mai nói và kiến nghị cân nhắc việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của đối tượng này. Đồng thời, để đảm bảo các quy định của Bộ luật Lao động kịp thời đi vào cuộc sống khi bộ luật có hiệu lực thi hành, đại biểu đề nghị quy định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động kể từ ngày 01/01/2021 phải căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số ngay trong dự thảo luật này.