Tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách là cần thiết
Gần đây, có ý kiến cho rằng cần tăng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, giảm các quan chức hành chính trong bộ máy hành pháp tham gia bộ máy lập pháp để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Ý kiến này đã nhận được sự quan tâm của dư luận. ĐĐK xin giới thiệu 2 ý kiến xung quanh vấn đề này.
ÔNG NGUYỄN TÚC, CHỦ NHIỆM HĐTV VỀ VĂN HÓA-XÃ HỘI, UBTƯ MTTQ VIỆT NAM:
Tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách - yêu cầu khách quan của thời đại
Tôi rất đồng tình với ý kiến này. Bởi đây không phải lần đầu tiên ý kiến này được đề xuất. Trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã tăng dần số lượng ĐBQH chuyên trách và phấn đấu đạt được 35% số lượng ĐBQH là đại biểu chuyên trách. Đất nước ta đang trong giai đoạn đổi mới ở tầm cao hơn và hội nhập quốc tế sâu hơn, do đó trình độ cán bộ ở nước ta so với những thời kỳ đầu đổi mới đã được nâng cao rất nhiều. Vấn đề nâng cao số lượng đại biểu chuyên trách được các đại biểu đặt ra là rất cần thiết.
Tôi nghĩ rằng, đến một thời kì nào đó, các ĐBQH phải chuyên trách hoàn toàn. Để tiến tới được mục tiêu đó, chúng ta cần tăng dần số lượng qua từng nhiệm kỳ, để tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Thực tế cho thấy, trong các vụ án kinh tế xảy ra vừa qua, không ít các đại biểu vừa là lãnh đạo ở địa phương và cả Trung ương, vừa là ĐBQH. Sự lạm quyền đó rất nguy hiểm. Sự lạm quyền đó là việc một người mang danh nghĩa của cơ quan hành pháp và lập pháp, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước, dẫn đến xử lý hình sự rất đáng tiếc. Tôi mong rằng, giữa cơ quan hành pháp và lập pháp có sự thống nhất nhưng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì phải riêng biệt, rõ ràng.
Trước đây, đội ngũ cán bộ được rèn luyện vững vàng chưa nhiều, dẫn đến một đại biểu có thể kiêm nhiệm nhiều chức. Hiện nay, đội ngũ cán bộ trẻ đã được đào tạo bài bản, trưởng thành hơn, do đó mỗi người chỉ đảm nhiệm một trọng trách riêng để chuyên sâu và hoàn thành tốt trọng trách đó. Công việc nhiều, trách nhiệm lớn, không hoàn thành rất dễ bị khiển trách, phê phán. Tôi thấy việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách đã trở thành yêu cầu khách quan của thời đại.
Tôi đề nghị, ngay trong khóa tới, chúng ta cần nâng tới 40% cán bộ chuyên trách, để các cán bộ đó có điều kiện chuyên sâu về lập pháp, về những luật quan trọng của đất nước.
ÔNG TRẦN NGỌC ĐƯỜNG, CHỦ NHIỆM HĐTV VỀ DÂN CHỦ - PHÁP LUẬT UBTƯ MTTQ VIỆT NAM:
Nên tăng tỉ lệ đại biểu gần dân nhất
Chủ trương giảm các quan chức hành chính trong bộ máy hành pháp là một chủ trương đúng và cũng đã được đề ra từ lâu nhưng nó mới được thực hiện trong thời kỳ đầu nhưng càng về sau người đứng đầu các cơ quan hành pháp ở Trung ương cũng như địa phương tham gia vào Quốc hội ngày càng nhiều.
Nếu quan chức tham gia Quốc hội nhiều thì tính chất kiểm soát các hoạt động hành pháp, xem xét các chính sách đó sẽ bất cập. Điều đó không khác gì mình tự phản biện mình.
Bộ trưởng hay Chủ tịch UBND tỉnh là những người quản lý nên họ rất bận rộn trong khi quản lý phải là quá trình liên tục. Nếu cứ “bắt” những người đứng đầu cơ quan hành pháp ngồi trong Quốc hội hàng tháng trời thì ai giải quyết công việc quản lý nhà nước đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ; trong khi theo Luật thì ít nhất phải dùng 1/3 thời gian cho công tác Quốc hội.
Do đó, việc giảm đại biểu không chuyên trách là đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước còn tăng đại biểu chuyên trách hay không cần phải có lộ trình của nó. Nên chăng chủ yếu tăng đại biểu hoạt động trong các lĩnh vực khác. Ví dụ như tăng đại biểu trong các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận chẳng hạn; tăng những đại biểu gần dân nhất; tăng những đại biểu am hiểu nhất… để họ đóng góp trí tuệ của mình trong diễn đàn Quốc hội.
Đại biểu chuyên trách, tức là đại biểu làm chuyên nghiệp, theo quy định hiện nay là vừa phải vì nếu chúng ta tăng số lượng này lên nhiều quá mà hoạt động không đồng bộ thì ĐBQH sẽ không có việc gì mà làm. Do đó, phải tăng đồng bộ để hệ thống bộ máy hoàn chỉnh, thúc đẩy lẫn nhau cùng hoàn thiện.
H.Nhi-T.Đạt-T.Phương (ghi)