Tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT năm 2025: Mang lại công bằng hơn cho học sinh
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT, có hiệu lực thi hành kể từ kỳ thi năm 2025. Theo quy chế mới, công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT có thay đổi so với các năm trước.
Điểm trung bình các năm học ở cấp THPT được tính theo công thức dưới đây:
Công thức xét công nhận tốt nghiệp như sau:
Bộ GD-ĐT cho biết sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số. Việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết).
Ngoài ra, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây. Thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Tiến sĩ Lê Đông Phương, chuyên gia giáo dục cho rằng việc Bộ GD-ĐT tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% trong xét công nhận tốt nghiệp sẽ mang lại công bằng hơn cho học sinh, cân đối được giữa điểm thi và điểm học bạ. Bởi xưa nay vẫn có nhiều trường hợp “học tài thi phận”, tức là có thể học rất giỏi trên lớp nhưng khi đi thi kết quả không như mong đợi.
Bên cạnh đó, việc này cũng giúp nhìn nhận về kết quả học tập của học sinh giống như một quá trình hơn chỉ là một kỳ thi nhất thời. Và học sinh cũng phải thu xếp để đảm bảo quá trình học trên lớp và kết quả thi đều phải tốt.
Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh, kết quả xét tốt nghiệp với một nửa là điểm học bạ và một nửa điểm thi là một bước tiến đáng kể trong việc tạo công bằng cho thí sinh, đồng thời phản ánh đúng hơn về sức học của học sinh. Tuy nhiên, thay đổi này cũng tăng áp lực cho các trường phổ thông, bởi khi xong học kỳ II, các trường sẽ phải rất khẩn trương để hoàn thành điểm học bạ, giúp thí sinh có thể chuẩn bị cho kỳ thi.
Với việc điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây, Tiến sĩ Lê Đông Phương đánh giá đây cũng là điều chỉnh hợp lý, giúp tránh được những sự đột biến về điểm số.
Với một số ý kiến cho rằng, việc nâng phần trăm của điểm học bạ khó đánh giá đúng năng lực của thí sinh do điểm học bạ hiện nay có độ tin cậy chưa cao, bệnh thành tích còn lớn và gian lận trong cho điểm cũng là vấn đề còn "nóng", Tiến sĩ Lê Đông Phương nhìn nhận, băn khoăn này là điều dễ hiểu. Nhìn lại lịch sử những năm trước, đã có những trường hợp điểm tăng đột biến hoặc có câu chuyện sửa điểm, hiệu trưởng gọi giáo viên đến để sửa điểm cho một vài em. Chúng ta không loại trừ được khả năng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường đã áp dụng công nghệ thông tin, triển khai học bạ số. Nếu làm tốt, làm nghiêm túc việc này, có nghĩa đưa điểm lên hệ thống lưu trữ ngay sau khi chấm từng bài kiểm tra giấy, bài kiểm tra miệng thì khả năng sửa điểm về sau sẽ khó. Bởi hệ thống có thể lưu trữ, truy vết điểm nhập vào lúc nào và sửa vào thời điểm nào. Học bạ số ở mức độ nào đó có thể hạn chế vấn đề sửa điểm, làm giảm xác suất có trường hợp cố ý sửa điểm.
“Tất nhiên, tôi cho rằng nếu muốn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối sẽ rất khó, bởi không chỉ riêng điểm học bạ, ngay cả khi chấm một bài thi, đặc biệt là thi tự luận, dù có thang điểm chuẩn nhưng vẫn có thể có sai sót, kết quả chấm không giống nhau giữa cán bộ chấm thi thứ nhất và thứ hai. Nhưng với những thay đổi này, tôi tin rằng sẽ giúp phản ánh đúng hơn xu thế học tập của học sinh”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nói.
Chuyên gia này nêu quan điểm, để đảm bảo tính công bằng đối với học sinh, đồng thời tạo sự an tâm trong xã hội thì những năm tới, Bộ GD-ĐT nên thúc đẩy mạnh việc triển khai học bạ số, thậm chí có thể xây dựng hệ thống học bạ số chung cho cả nước. Khi hết năm học, hệ thống này cần được khóa cứng, không cho điều chỉnh để hạn chế được rủi ro của việc gian lận hoặc sửa chữa điểm.
“Dù đôi khi việc sửa chữa điểm cũng chỉ xuất phát từ lòng tốt của thầy cô, nhưng lại phụ thuộc vào câu chuyện vì có thể sửa được nên họ mới sửa. Nếu chúng ta “khóa cứng” trên hệ thống, chắc chắn sẽ hạn chế được việc vì tình thương, lòng tốt hay vì những mối quan hệ mà hiệu trưởng, cán bộ quản lý hay giáo viên có thể sửa điểm”, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay.
Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng nhấn mạnh, giải pháp này cần được triển khai trên quy mô hệ thống, ở cả vùng đồng bằng, đô thị tới những nơi vùng sâu, vùng xa. Như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo được tính công bằng với tất cả học sinh, đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước qua phân tích dữ liệu về điểm học bạ có thể tiến hành điều chỉnh về chương trình, cách giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục.
Liên quan đến việc tỷ lệ điểm học bạ tăng từ 30 lên 50% và sử dụng cả điểm lớp 10 và 11 thay vì chỉ dùng lớp 12 trong xét tốt nghiệp, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, thay đổi này dựa trên thực tiễn và căn cứ khoa học, sẽ giúp đánh giá học sinh toàn diện hơn.
Theo đó, với thay đổi này, học sinh phải tập trung học ngay từ năm đầu của bậc THPT, phù hợp với việc đánh giá năng lực của người học theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi muốn đánh giá được thì cần thời gian dài.
Ngoài ra, tăng tỷ lệ điểm học bạ cũng giúp thí sinh giảm áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi những em đạt điểm trung bình cũng có thể tốt nghiệp được. Việc này cũng tạo thuận lợi để Bộ GD-ĐT xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, từ đó các trường đại học sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào.