Tăng viện phí và những nỗi lo

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay tại Việt Nam, đại đa số người dân có thu nhập chưa cao nhưng chi phí khám chữa bệnh lại khá đắt đỏ và chiếm một phần không nhỏ trong 'rổ' chi tiêu, thanh toán của nhiều người dân.

Chị Nguyễn Mai An, P. Tăng Nhơn Phú B, quận 9 cầm trên tay tờ hóa đơn thanh toán viện phí và các khoản phẫu thuật, thuốc men... cho chồng chị vừa bị tai nạn lao động phải nằm viện cả hơn chục ngày mà lòng rầu rĩ bởi gia đình chị đã gom góp tất cả cũng chẳng đủ chi trả cho chi phí nằm viện điều trị lên đến cả vài chục triệu đồng nên chỉ còn cách cắn răng vay mượn thêm bên ngoài để lo cho đủ.

“Anh làm thợ hồ, là lao động chính trong nhà nhưng lại không có bảo hiểm y tế (BHYT) nên mọi chi phí trong bệnh viện đều phải chi trả đủ 100% nên số tiền rất lớn, vượt ra ngoài khả năng của những gia đình kinh tế khó khăn như chúng tôi”, chị An chia sẻ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hoàn cảnh của gia đình chị An cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều người có thu nhập trung bình thấp, song không tham gia BHYT nên khi có trường hợp rủi ro, bất trắc, tai nạn xảy ra sẽ rất khó khăn về tài chính khi phải nằm viện điều trị lâu dài. Nhất là, vừa qua Bộ Y tế đã chính thức điều chỉnh tăng giá nhiều loại dịch vụ y tế tại các bệnh viện công, khiến cho nhiều người dân lo lắng về “gánh nặng” chi phí khám chữa bệnh ngày càng tăng cao.

Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), những người không tham gia BHYT cũng như những người không thuộc diện đối với các đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội... sẽ phải chịu tác động nhất định của việc điều chỉnh tăng viện phí của Bộ Tài chính. Ngoài ra, những người có BHXH phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh cũng sẽ chịu tác động đối với phần chi phí chi trả chung.

Trước đó, theo quy định của Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa các bệnh viện (bao gồm giá khám chữa bệnh có BHYT và ngoài phạm vi BHYT), giá khám chữa bệnh tăng đồng loạt từ ngày 20/8. Cụ thể, giá dịch vụ khám bệnh BHYT tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 38.700 đồng/lần khám chữa bệnh (giá cũ là 37.000 đồng); bệnh viện hạng II là 34.500 đồng (giá cũ là 33.000 đồng); bệnh viện hạng III là 30.500 đồng (giá cũ là 29.000 đồng). Cùng với đó, giá dịch vụ giường bệnh BHYT cũng tăng lên mức tối đa là 782.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng đặc biệt (giá cũ là 753.000 đồng/ngày)...

Theo cách lý giải của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh thay đổi dựa trên sự điều chỉnh tăng lương mới đây của Chính phủ với mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng. Với việc điều chỉnh này, giá khám bệnh, ngày giường sẽ tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.... Tuy nhiên, Bộ này cũng cho rằng, việc tăng viện phí lần này điều chỉnh tăng theo bậc lương tối thiểu, không ảnh hưởng nhiều tới người có BHYT. Ngoài ra, hiện nay vẫn tồn tại tình trạng một số bệnh viện, bệnh nhân chỉ chú trọng đến khám chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ mà chưa quan tâm đến khám chữa bệnh bằng BHYT.

Một báo cáo mới đây của Bộ Y tế cho thấy, tổng chi toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe (ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, người dân) so với GDP ngày càng tăng, từ 5,1% năm 1993 lên khoảng 6,6% năm 2016. Từ 2008 đến nay, tốc độ tăng chi từ ngân sách nhà nước cho y tế đã cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước và đạt khoảng 7- 8% tổng chi ngân sách. Đáng chú ý, tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe còn ở mức cao, dễ dẫn đến tình trạng nghèo hóa ở những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình khi có người ốm đau (tỷ lệ bị nghèo hóa do chi phí y tế hiện nay là 1,7%).

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay tại Việt Nam, đại đa số người dân có thu nhập chưa cao nhưng chi phí khám chữa bệnh lại khá đắt đỏ và chiếm một phần không nhỏ trong “rổ” chi tiêu, thanh toán của nhiều người dân. Hơn nữa, mặc dù việc tăng lương, tăng tiền viện phí mang tính chất định kỳ nhưng thực tế đang diễn ra lương chưa tăng thì rất nhiều chi phí sinh hoạt khác như học phí, điện nước, xăng dầu, chợ búa, đi lại... cũng đã tăng ào ào khiến cho người dân thêm gánh nặng.

Bên cạnh đó, vấn đề chưa nhiều bệnh nhân mặn mà với khám chữa bệnh bằng BHYT cũng là có nguyên do khi một số bệnh viện còn có hiện tượng phân biệt đối xử giữa khám chữa bệnh dịch vụ với khám chữa bệnh chi trả qua BHYT... Chính vì vậy, không ít người tỏ ra băn khoăn “tăng viện phí có đồng nghĩa với việc tăng chất lượng khám chữa bệnh?”.

Tuyết Thanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tang-vien-phi-va-nhung-noi-lo-91637.html