Tăng view cho sách
Cuốn sách thành công là cuốn sách tới tay nhiều lượt độc giả. Trước đây, tôi có thói quen cất sách khư khư như báu vật nhưng rồi tôi đã thay đổi.
Quý như sách cũ
Tôi bắt đầu xây dựng tủ sách của riêng mình hồi lớp năm. Tôi dùng 100 đồng phần thưởng học sinh giỏi toàn quốc để mua những cuốn sách đầu tiên. Có cuốn chỉ vài hào, có cuốn tận mấy đồng.
Thi thoảng, bố tôi đi Sài Gòn công tác, mua tiểu thuyết dịch về bổ sung vào. Tôi còn nhớ ông mua về các cuốn như: Người lữ hành kỳ dị, Nếu còn có ngày mai, Bông hồng cho Êmily, Hoa cẩm chướng xưa… Tủ sách của đứa trẻ tỉnh lẻ là tôi hình thành như thế nhưng tập sách thay đổi tôi nhiều nhất có lẽ là một xấp mối ăn nham nhở, tôi nhặt lén từ lần đốt sách của ông kỹ sư nhà bên.
Gọi là nhặt lén vì tủ sách của ông bị mối xông, nếu tha về nhà thì coi như tôi tha mối về, chúng sẽ phá hủy giấy, gỗ nhà tôi. Người đốt sách ra sức can ngăn, tôi phải năn nỉ ông là tôi biết cách khử mối, xin ông giấu kín không cho cha mẹ tôi biết.
Đó là một phần cuốn sách Almanach - một dạng sách kiến thức tổng hợp thời ấy. Nó bị mất đầu mất đuôi, gáy khâu chỉ xộc xệch, mãi tôi mới luận ra được tựa sách. Đem về nhà, tôi cẩn thận lau sạch, sắp xếp lại và đọc ngấu nghiến. Bao nhiêu điều thú vị và mới lạ lần đầu tôi được tiếp cận. Dù rách rưới, thiếu trang, có khi mất trang đúng chỗ hay nhưng xấp giấy ấy được tôi giữ gìn như máu thịt. Tôi còn chép một số thứ hay ho vào sổ tay. Ví dụ chuyện các trạm không gian của NASA, tàu Sputnik… hay công thức ngâm tỏi với rượu để sống lâu như người Tây Tạng hoặc chuyện về ngôi sao Greta Garbo, Red Butler hay Liz Taylor cùng các bộ phim kinh điển của Hollywood…
Cuốn sách tổng hợp văn hóa, giải trí, khoa học ấy cho tôi những kiến thức rộng mở, khác hẳn thế giới sách thiếu nhi, sách văn học chúng tôi vẫn đọc. Nó phần nào định hướng để sau này tôi chọn đọc chủ yếu lượng sách kỹ năng, kiến thức, bỏ qua luôn dòng sách sáng tác. Các đầu sách văn học nghệ thuật trong nhà rất nhiều nhưng tôi chỉ đọc khi cần…
Cũng trong lần lén lấy sách nhiễm mối đó, tôi còn “chôm” được một vài phần của cuốn sách về nông nghiệp, vật lý phân tử, y sinh. Đó là sách khoa học viết bằng giọng trào phúng của Nhà xuất bản Cầu Vồng (Liên Xô). Cuốn sách giúp tôi hình thành tình yêu với môn vật lý, sinh học, chú ý các thông tin về nông nghiệp kỹ thuật cao về sau, dù công việc của tôi khi trưởng thành chẳng liên quan gì các lĩnh vực đó.
Vòng quay của sách
Là dân trường chuyên, so với bạn bè, tôi vẫn thuộc nhóm ít mua sách, lượng đọc cũng không thấm vào đâu. Nhưng thật may mắn, tốt nghiệp đại học, tôi làm việc ở một đơn vị xuất bản sách, với vai trò tổ chức bản thảo và biên tập. Mỗi năm, tôi có thêm tài sản là hàng trăm cuốn sách cơ quan phát hành, chưa tính lượng sách tôi phải mua để tham khảo tìm đề tài phục vụ công việc và một lượng không nhỏ sách ngoại văn để học hỏi cách thức làm sách của nước ngoài.
Tôi có một ít bí quyết săn sách rẻ, sách giảm giá tại các hội chợ. Tôi rình mua sách cũ, sách thanh lý, có khi chỉ 1.000 đồng/cuốn hoặc mua bằng giá ve chai, chỉ tính bằng kg. Nếu giữ lại hết số sách từng sở hữu, tôi không phải tỷ phú sách nhưng cộng giá bìa lên, chắc cũng cỡ triệu phú.
Nhà tôi rộng nhưng chưa có điều kiện đóng tủ sách lớn nên tôi chỉ có thể xếp tài sản của mình trong những kệ sách thấp, sao cho nhìn đẹp, tiện lấy sách. Tuy nhiên, kệ sách của tôi luôn phủ đầy bụi vì nhà tôi ngay mặt đường lớn. Vậy là tôi trữ sách trong những thùng các tông lớn. Có vô số cuốn tôi chưa hề lật trang nào nhưng vẫn giữ khư khư cùng suy nghĩ “để đấy rảnh sẽ đọc”.
Thế rồi một sự cố xảy đến vào mùa bão nọ. Lượng nước mưa đổ xuống sân thượng quá lớn nhưng không thoát kịp trong đường ống nhỏ. Nước tràn theo cầu thang như thác. Dọn nước xong, tôi phát hiện 10 thùng sách bị ướt, mốc. Nhìn cảnh sách báo, quần áo phơi la liệt sau cơn bão, lòng tôi đau như cắt. Lúc đó, tôi mới nghĩ tới việc tối giản đồ đạc, trong đó có việc tối giản sách.
Nếu chỉ bản thân mình đọc, một cuốn sách in bằng bao nhiêu giấy mực chỉ nhận được “1 view” - tức một lượt xem. Sách mình chưa đọc mà ôm khư khư và nghĩ đó là tài sản thì sai rồi. Khi ấy, đó chỉ là mớ giấy vô ích.
Cùng thời điểm này, tôi tiếp cận lý thuyết dọn nhà của người Nhật. Ai đó đã nói: nếu mang về 1 cuốn sách mà sau 3 tháng bạn không đọc tới thì có thể không bao giờ bạn sờ tới nó. Từ đây, tôi bắt đầu lên kế hoạch cho sách quay vòng, để chúng bắt đầu hành trình “kiếm view”.
Năm ấy, sinh nhật con trai tôi, tôi bàn với con việc tặng sách. Dù là “thần giữ của” nhưng hiểu mục đích của việc chia sẻ nên bé đồng ý tặng bạn bè bớt một số sách thiếu nhi, như các bộ truyện văn học nổi tiếng thế giới, các bộ sách phiêu lưu của trẻ em, truyện tranh… Con thông báo trong buổi tiệc rằng các bạn có thể chọn lấy số sách mình thích thông qua vài trò chơi giải đáp câu hỏi, để tránh sự tranh giành.
Khi đến đón con, các phụ huynh rất bất ngờ vì bé nào cũng mang về một túi lớn những cuốn sách, bộ sách mới mà nếu mua thì cũng tốn một số tiền không nhỏ.
Đó là kỳ tổ chức sinh nhật thành công của mẹ con tôi. Nhà thoáng hẳn sau cuộc thanh lọc. Số sách các bé không lấy, tôi tìm đối tượng để tặng đúng người. Số thùng các tông giảm dần. Một số sách tôi dành tặng bạn bè; một số khác tôi tặng các cô giúp việc theo giờ để họ bán ve chai vì tôi biết sách ve chai rồi sẽ được lọc để đi vào tiệm sách cũ, tới tay người cần.
Tôi có những người bạn rất chăm chỉ làm công tác xã hội. Mùa đông, họ xin áo ấm; mùa hè thì xin sách cũ cho trẻ em nghèo. Các bạn lên Facebook rao xin sách, rồi chịu mọi chi phí ship và tìm cách chuyển lên vùng núi cao như Tây Nguyên, Tây Bắc, các vùng đồng bằng xa trung tâm xã, huyện… Lượng sách các bé ở các gia đình thành phố đã đọc và đang trong tình trạng đóng bụi rất nhiều. Trong khi đó, có những đứa trẻ khát sách, ngày ngày ao ước được đọc Doraemon hay Conan… nhưng dù chỉ vài chục nghìn đồng mua sách, cha mẹ các trẻ ấy cũng không thể chi vì họ phải lo cái ăn, cái mặc.
Việc gom sách chở ngược lên vùng cao hay chở xuôi xuống vùng sâu vùng xa chính là câu chuyện lan tỏa tri thức. Không thiếu những cuốn sách sẽ giúp thay đổi nhân sinh quan một con người và rộng ra là một thế hệ. Còn gì thú vị hơn khi sách cũ được tận dụng, được đi hết vòng đời của mình để tận hiến những kiến thức, tư tưởng, giá trị tinh thần trong đó…
Châu Giang/Phụ Nữ TP.HCM
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tang-view-cho-sach-post1445044.html