Tánh Linh: Thành lập đoàn truy quét chống phá rừng, chống săn bắt động vật rừng ở Núi Ông

Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh vừa quyết định thành lập đoàn truy quét chống phá rừng, chống lấn chiếm đất rừng, săn, bắt, bẫy động vật rừng trái pháp luật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trong lâm phận Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, thuộc địa giới hành chính huyện Tánh Linh.

Theo quyết định, đoàn truy quét do ông Nguyễn Tri Tâm - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, làm trưởng đoàn. Đoàn gồm 2 tổ. Tham gia đoàn truy quét là các lực lượng thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Hạt Kiểm lâm Tánh Linh và UBND các xã: Gia Huynh, Đức Bình, Đức Thuận, La Ngâu.

Nhân viên bảo vệ rừng và các hộ nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Đoàn có nhiệm vụ Tổ chức truy quét bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất rừng theo kế hoạch của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai phải thường xuyên báo cáo tiến độ, kết quả về Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Thường trực Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong Bảo vệ rừng và PCCCR huyện Tánh Linh để theo dõi.

Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông được thành lập năm 2001. Đây là rừng đặc dụng có đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 24.300 ha, bao gồm 30 tiểu khu, trải dài trên địa bàn huyện Tánh Linh và huyện Hàm Thuận Nam, nhưng phần lớn thuộc huyện Tánh Linh. Cùng với hệ thực vật phong phú, thì hệ động vật trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông mang tính chuyển tiếp giữa khu Nam Trung bộ và Nam bộ. Ngành chức năng xác nhận, động vật quý hiếm theo sách đỏ Việt Nam trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có 53 loại, gồm 31 loài thú, 7 loài chim, 15 loài bò sát.

Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông được các lực lượng chức năng tập trung thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, săn bắt động vật rừng trong khu bảo tồn vẫn còn xảy ra. Vì vậy, việc thành lập đoàn truy quét là một trong những biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Lâm nghiệp, ngăn chặn tình trạng phá rừng, bảo vệ tốt động vật hoang dã.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tanh-linh-thanh-lap-doan-truy-quet-chong-pha-rung-chong-san-bat-dong-vat-rung-o-nui-ong-116132.html