Tánh Linh thất mùa… rơm
Lẽ thường, nông dân chỉ quan tâm đến năng suất, sản lượng lúa sau thu hoạch. Nhưng lâu nay, việc tận thu phụ phẩm rơm sau thu hoạch lúa đã mở ra một thị trường khá sôi động ở Bình Thuận. Khác chăng, năm nay cả năng suất và giá cả rơm không như mong đợi…
Tánh Linh thất mùa… rơm
Giảm năng suất… rơm
Tháng cuối năm, nông dân trong tỉnh đang tất bật thu hoạch lúa vụ mùa. Vào thời điểm ấy, những cánh đồng ở vùng trọng điểm lúa Tánh Linh, bên cạnh sự xuất hiện của những chiếc máy cày, máy gặt, còn có sự song hành của những chiếc máy cuộn rơm đang hoạt động liên tục trên đồng. Đó là những mảnh ruộng vừa được gặt xong, rơm phơi khoảng 1 nắng rồi máy cuộn bắt đầu lăn đều, cuộn tròn thành những cuộn rơm tươm tất, chờ xe tới chở đi tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Tám, chủ doanh nghiệp thu mua rơm trên địa bàn xã Bắc Ruộng cho biết, gia đình chị đầu tư một số loại máy móc cơ giới hóa nông nghiệp như máy gặt, máy cuộn rơm, thầu gặt lúa cho các hộ dân trên địa bàn xã, với giá khoảng 250.000 đồng/sào (gặt và chở về nhà). Tuy nhiên, thay vì lấy tiền mặt, chủ ruộng và chủ máy gặt sẽ thỏa thuận trao đổi tiền công bằng cách khoán trắng rơm trên đơn vị diện tích. Nông dân lo việc chở lúa về nhà, còn lại rơm ít hay nhiều, lời hay lỗ là chuyện của chủ máy gặt.
Thu hoạch rơm tại huyện Tánh Linh
Theo chia sẻ của anh Thành- chồng chị Tám, thường lệ mỗi năm ở địa bàn huyện có 3 vụ lúa, gia đình sẽ thu rơm vụ đông xuân và vụ mùa. Riêng vụ hè thu không lấy rơm. Lý do, mùa này thường mưa nhiều, chất lượng rơm không đảm bảo, ngoài ra mục đích chính là trả lại chất dinh dưỡng cho đất. Ở vụ mùa này, do lúa khá nhiều sâu bệnh, chuột cắn phá nên năng suất không cao, kéo theo sản lượng rơm cũng ít hơn mọi năm. Anh Thành nhẩm tính, từ đầu vụ mùa đến nay, năng suất rơm chỉ đạt khoảng 20 cuộn/sào, trong khi mọi năm từ 25 - 30 cuộn/sào.
Tụt giá
Sự thất thu từ loại phụ phẩm này còn được thể hiện qua giá cả mua bán. Chủ doanh nghiệp thu mua rơm tính toán, năm nay mỗi cuộn rơm bình quân chỉ từ 18.000 - 20.000 đồng/cuộn, trong khi mọi năm 28.000 - 30.000 đồng/cuộn. Chính sự sụt giảm cả về năng suất, giá cả khiến doanh nghiệp thu mua rơm cũng đứng ngồi không yên. Chỉ tay về phía kho chứa rơm, anh Thành cho biết, để có rơm bán quanh năm, gia đình anh trữ 40 thiên (40.000 cuộn/năm). Rơm được vận chuyển theo đơn đặt hàng đến các huyện trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, nhất là các vùng trọng điểm trồng thanh long như Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, La Gi…
Điều đáng nói, nếu như mọi năm vào thời điểm này thị trường rơm rất sôi động, khi nông dân trồng thanh long tập trung đầu tư mua rơm phủ gốc thanh long vào thời điểm chong đèn dịp tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên thị trường thanh long ảm đạm, người trồng thanh long thua lỗ, khiến việc đầu tư chăm sóc giảm xuống, nhu cầu tiêu thụ rơm kém hơn trước đây. Mặc dù vậy, chủ doanh nghiệp này cho biết vẫn không quá lo ngại, bởi vì rơm là phụ phẩm nông nghiệp hữu ích, rất cần thiết trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, khi gặp thị trường không thuận lợi, mặt hàng này có thể tích trữ lâu dài, chờ thời điểm thích hợp để bán.
Có lẽ chính những tác dụng của phụ phẩm rơm, nên thời gian qua, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã không còn thấy hình ảnh người dân đốt rơm ngoài đồng. Bởi việc làm đó vừa gây hại môi trường, vừa không có lợi cho việc bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Đáng nói, hiện nay đất lúa trên địa bàn tỉnh nói chung và Tánh Linh nói riêng đang bị thoái hóa đáng kể, đây là nguy cơ cho sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, nông dân cần quan tâm bón phân hữu cơ để cải tạo đất, mà rơm rạ chính là một trong những loại phân hữu cơ giá trị cần trả về cho đất sau thu hoạch…
Theo các nhà khoa học, khi đốt đồng các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ, nên tro của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi đó, việc đốt đồng sẽ làm một lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng bị khô kiệt. Nếu đốt đồng nhiều lần sẽ làm cho đất bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn.
Để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch một cách hợp lý, nông dân nên mang hết rơm rạ ra khỏi ruộng để trồng nấm nhằm tăng thêm thu nhập. Những bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm, có thể dùng làm phân bón hữu cơ cung cấp lại cho đồng ruộng. Một biện pháp khác cũng được khuyến cáo thực hiện là sử dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò. Sau đó sử dụng nguồn phân chuồng ủ hoai bón lại đồng ruộng. Ngoài ra, bà con có thể ủ rơm rạ tại đồng ruộng để bón lại cho đất.
Kiều Hằng
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tanh-linh-that-mua%E2%80%A6-rom-133648.html