Tánh Linh: Tìm giải pháp tạo nguồn phát triển đảng viên ở khu dân cư
Công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên ở các chi bộ thôn, khu dân cư trong tỉnh gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng thiếu nguồn. Tại huyện Tánh Linh, địa phương này đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ thực trạng trên, nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng các cấp về phát triển đảng viên và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Khó phát triển đảng viên ở khu dân cư
Chi bộ khu phố Lạc Thuận (thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh) có 102 đảng viên được cơ cấu ở 5 tổ Đảng. Ông Đỗ Văn Châm - Bí thư Chi bộ tâm sự: Khu phố Lạc Thuận có 400 hộ dân, với 1.600 nhân khẩu. Đây được xem là chi bộ đông đảng viên nhất so với các chi bộ khác trong toàn huyện. Ngoài ra, chi bộ còn có trên 200 đảng viên sinh hoạt ở nơi cư trú. “Thế nhưng 3 nhiệm kỳ kể từ khi tôi đảm nhận nhiệm vụ Bí thư chi bộ kể cả ở nhiều nhiệm kỳ trước việc phát triển đảng viên mới cũng gặp rất nhiều khó khăn”, ông Châm chia sẻ. Theo ông Châm, một trong những nguyên nhân khiến cho việc phát triển đảng viên ở khu dân cư gặp khó khăn chính là do thiếu nguồn. “Nhiều thanh niên địa phương học xong THPT, lại tiếp tục học lên đại học hoặc học nghề, một số đi làm ăn ở các thành phố lớn, số thanh niên ở lại địa phương thì nhận thức chính trị hạn chế, không tham gia các hoạt động ở các chi hội trong khu phố, thiếu ý chí phấn đấu vào Đảng. Mặc dù chúng tôi đã chủ động tìm nguồn quần chúng ưu tú, tuy nhiên khi đến gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để bồi dưỡng thì quần chúng lại chần chừ, từ chối với lý do còn phải lo phát triển kinh tế gia đình”, ông Châm chia sẻ thêm.
Ông Phan Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh cho biết: Đảng bộ xã có 256 đảng viên sinh hoạt ở 13 chi bộ, trong đó có 6 chi bộ thôn, 4 chi bộ Trường học, 1 chi bộ Y tế, 1 chi bộ Công an và 1 chi bộ Quân sự. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Vì vậy Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 Đảng bộ xã đề ra chỉ tiêu phát triển từ 30 - 35 đảng viên, tính đến tháng 7/2024 đã phát triển được 37 đảng viên. Mặc dù đã vượt chỉ tiêu đề ra nhưng thực tế việc phát triển đảng viên ở các chi bộ thôn gặp rất nhiều khó khăn. "Trong 6 chi bộ thôn thì có đến 3 chi bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa phát triển được đảng viên mới nào. Trong khi đó, hầu hết đảng viên ở các chi bộ thôn phần lớn là cán bộ hưu trí, lớn tuổi. Do vậy thiếu cán bộ, đảng viên trẻ có năng lực, uy tín để giới thiệu đảm trách các chức danh ở thôn", ông Tuấn nói.
Không chỉ Đảng bộ xã Đức Thuận mà đa số lãnh đạo cấp ủy các xã, thị trấn trong toàn huyện Tánh Linh đều bày tỏ sự lo lắng và khó khăn về nguồn phát triển đảng viên ở khu dân cư. Các đồng chí trong cấp ủy cho rằng: Một trong những nguyên nhân khác khiến cho việc phát triển đảng viên ở khu dân cư gặp khó chính là việc, một số cấp ủy, tổ chức Đảng, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ phấn đấu vào Đảng. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở chưa tạo được phong trào thi đua sôi nổi để thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên vào hoạt động để rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Gỡ “nút thắt”
Hiện nay, Đảng bộ huyện Tánh Linh có 57 chi, Đảng bộ cơ sở, (gồm 18 Đảng bộ, 39 chi bộ). Đảng bộ huyện có 3.601 đảng viên, trong đó chính thức 3.315 đảng viên, dự bị 286 đảng viên. Mặc dù gặp khó khăn trong việc phát triển đảng viên ở khu dân cư, nhưng Đảng bộ huyện Tánh Linh vẫn quyết tâm làm. Chính vì vậy nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương về phát triển đảng viên ở khu dân cư được Đảng bộ huyện triển khai.
Ông Nguyễn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Ruộng chia sẻ: Công tác phát triển Đảng luôn được Đảng ủy xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và hàng đầu. Do vậy, ngay từ đầu năm, Đảng ủy tổ chức họp mời các chi bộ trực thuộc cho ý kiến về kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển Đảng để thống nhất thực hiện. Phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Đảng ủy viên phụ trách các chi bộ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các chi bộ tập trung cho công tác phát triển Đảng. Thường xuyên chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương tham mưu cho Đảng bộ, chi bộ các nguồn để bồi dưỡng, xem xét kết nạp. Định kỳ tổ chức họp để nghe các chi bộ báo tiến độ thực hiện công tác phát triển Đảng, nếu có khó khăn vướng mắc thì kịp thời chỉ đạo tháo gỡ. Đồng thời cũng có động viên khen thưởng chi bộ làm tốt và có hình thức đối với các chi bộ không hoàn thành nhiệm vụ phát triển Đảng được giao. Xác định công tác phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; hằng năm căn cứ chỉ tiêu phát triển đảng viên mới Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận giao chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tánh Linh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Tánh Linh đã đưa chỉ tiêu phát triển đảng viên mới vào kết luận về công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận để tập trung lãnh đạo thực hiện. Trên cơ sở kết luận của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Tánh Linh ban hành kế hoạch về phát triển đảng viên mới, giao chỉ tiêu cho các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện còn nguồn kết nạp đảng viên. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí Huyện ủy viên phụ trách các chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện. Nhờ vậy, từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ huyện Tánh Linh đã kết nạp được 619 đảng viên mới, hàng năm đều vượt chỉ tiêu tỉnh giao và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tánh Linh, nhiệm kỳ 2020 - 2025; trong đó phát triển đảng viên mới ở khu dân cư được 152 đồng chí (chiếm 24,6%).
Theo ông Trần Vũ Linh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tánh Linh: Thời gian đến, để công tác phát triển đảng viên ở khu dân cư trên địa bàn huyện Tánh Linh đạt được kết quả tốt các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phát triển đảng viên; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên hằng năm phù hợp với đặc điểm từng địa bàn khu dân cư. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện những đoàn viên, hội viên có triển vọng, bồi dưỡng, lựa chọn quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp; trong đó chú ý các đối tượng là đoàn viên, thanh niên tích cực, các hội viên ưu tú, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, người lao động ở địa bàn dân cư có nhiều đóng góp cho các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương có đủ tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp vào Đảng.
Cùng với đó, địa phương cũng cần tập trung triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đó là: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển du lịch nông thôn; hình thành các cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống để tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lực lượng thanh niên, quân nhân xuất ngũ. Bởi đây chính là lực lượng nòng cốt để phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng cho cơ sở. Song song đó, cần coi trọng về chất lượng, chặt chẽ về nguyên tắc, thủ tục, quy trình kết nạp Đảng; gắn công tác kết nạp đảng viên với xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, làm sạch đội ngũ đảng viên.