Tạo bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh

Đóng góp ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, nhiều ĐBQH nêu quan điểm, Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cần chú trọng tới tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận sự hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận chính sách về tín dụng, thuế, đất đai...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 15/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 2

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 2

Tham gia thảo luận tại Tổ 2 gồm các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh. Đa số các đại biểu thống nhất với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, kích hoạt, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Kim Yến nêu quan điểm, trong dự thảo Nghị quyết có đề cập đến tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận sự hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp tư nhân tiếp cận những chính sách về tín dụng, thuế, đất đai, mặt bằng trong sản xuất kinh doanh còn rất khó khăn.

Đại biểu Trần Kim Yến

Đại biểu Trần Kim Yến

Theo đại biểu Trần Kim Yến, để phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết cần nêu cụ thể hơn việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với những chính sách trên. Với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, người khuyết tật thì cần công khai thông tin hơn, được hỗ trợ một cách chính thống. Những doanh nghiệp đầu tư lớn về cơ sở vật chất thì cần được hỗ trợ nhiều hơn. Ngoài ra, cần chú trọng hơn tới giảm nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp gắn với cải cách thể chế.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu cơ chế đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở những vùng, miền khó khăn. Bên cạnh đó, có quy định cụ thể hơn trong việc hỗ trợ những ngành nghề đặc thù và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại những doanh nghiệp ở địa phương. Đối với doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, chỉ nên hỗ trợ đối với việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc thù, chứ không phải kinh doanh sản phẩm nào cũng được hỗ trợ.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội

Đứng ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân còn chưa bao quát được hết việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Do vậy, để tạo sự phát triển bứt phá cho tất cả doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu quan điểm, cơ quan thẩm tra dự án Luật nên tiếp tục trao đổi với Chính phủ, các Bộ ngành để tìm hiểu rõ hơn những điểm nghẽn trong các lĩnh vực, ngành nghề để từ đó đưa ra các giải pháp, có sự phân loại cụ thể nhằm xây dựng sự bình đẳng cho các doanh nghiệp trong tiếp cận sự hỗ trợ.

Xem xét lại hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để đảm bảo tối đa các yêu cầu

Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân có đề cập tới số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) bao gồm cả kiểm tra liên ngành, đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Nêu quan điểm về quy định trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần mỗi năm tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết đã có tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với số lượng thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần mỗi năm liệu có đảm bảo kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp được không khi mà hiện nay hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn chưa thể kiểm soát hết được? Để trả lời được băn khoăn này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo Nghị quyết cần nghiên cứu lại nội dung này.

Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Trần Anh Tuấn kiến nghị cần xem xét lại hoạt động thanh tra, kiểm tra để vừa đảm bảo tối đa các yêu cầu kiểm soát chất lượng kinh doanh của doanh nghiệp mà vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Để triển khai được yêu cầu này, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cơ quan chức năng cần có sự phản hồi, giải thích rõ ràng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà doanh nghiệp kinh doanh.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, bên cạnh công tác thanh, kiểm tra, Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cần lưu ý tới việc hỗ trợ doanh nghiệp trong giảm các thủ tục hành chính, tháo gỡ những điểm nghẽn để được tiếp cận với cơ chế về tín dụng, đất đai, đầu tư kinh doanh...

Đại biểu Trần Anh Tuấn

Đại biểu Trần Anh Tuấn

Trong khuôn khổ phiên họp, các ĐBQH tại Tổ 2 còn đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Theo đó, các ĐBQH nhất trí sự cần thiết ban hành Luật với những lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc; đồng thời, là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đa số các ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết với cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các ĐBQH cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66/NQ-TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Các ĐBQH nhất trí việc xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng như Chính phủ đề xuất, vừa có quy định chung, khái quát, mang tính nguyên tắc, vừa có một số quy định cụ thể để có thể thi hành ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, sớm đưa chủ trương, chính sách mới của Đảng tại Nghị quyết số 66-NQ/TW và các nghị quyết có liên quan vào cuộc sống.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 2

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 2

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm tại phiên thảo luận tại tổ

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm tại phiên thảo luận tại tổ

Đại biểu Tô Thị Bích Châu

Đại biểu Tô Thị Bích Châu

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Đại biểu Phan Văn Xựng

Đại biểu Phan Văn Xựng

Đại biểu Đặng Văn Lẫm đóng góp ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Đặng Văn Lẫm đóng góp ý kiến tại thảo luận tổ

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94117