Tạo bước chuyển thực chất, bền vững
Hôm về quê giỗ họ gặp mấy đứa em vốn là những tay uống rượu cự phách trong làng, như thường lệ chúng cầm chén sang cà khịa, làm tôi tái mặt.
Hôm nay vợ đi công tác nên không về cùng để lái xe hộ, mà kiểu gì tối nay tôi cũng phải về để còn đưa con đi học. Tôi lặng lẽ bịa rằng cái bụng đang có vấn đề, bác sĩ khuyến cáo phải bỏ nhiều thứ lắm, rượu là số một. Tôi thấy mình xuống thang ghê gớm chả đáng mặt cành trên nữa, nhưng chả còn cách nào khác lúc này cả. Kệ bộ dạng của tôi, một đứa em cầm chiếc chén đưa cho tôi với chất giọng khê rè quen thuộc: Anh lại coi thường mấy đứa em nông dân của anh rồi! Tôi cầm chiếc chén để sự việc không bị đẩy đi xa hơn, và nghĩ bụng phải tìm cách khác. Ngay lập tức, một đứa chen vào nói rằng anh cứ uống đi, cùng lắm thì để xe lại, đi xe ghép về thành phố. Tôi cũng đã tính thế nếu không từ chối được. Sau vài phút lần lữa tôi quyết định uống để đỡ mất mặt đàn anh. Nhưng lạ thay nước trong chén không phải là rượu. Lũ em cười phá lên, còn tôi thì vỡ òa sung sướng.
Một đứa nói: Bác cứ tưởng bọn em nông dân mà không biết sợ à. Bọn em thử độ chân tình của bác thôi. Rồi chúng nhao nhao kể về những người trong làng đi xe lên huyện có việc, vào quán nhậu, lúc về bị phạt tiền. Có người còn bị tước giấy phép lái xe vì nồng độ cồn cao quá, chạy xe vi phạm tốc độ. Ở quê còn thế, chắc thành phố nhà bác làm gắt hơn nhiều. Nghe nói cán bộ bị phạt vì vi phạm nồng độ cồn khi lái xe nhiều lắm, còn bị thông báo về cơ quan nữa. Như thế thì ê mặt quá.
Tôi không nghĩ rằng những đứa em bợm rượu của tôi hôm nay lại thay đổi đến thế. Dĩ nhiên là chúng vẫn uống rất mạnh, nhưng chúng sẽ đi bộ về nhà ngủ như chúng nó nói thôi. Còn tôi, chúng biết còn phải lái xe, nên tha. Hóa ra chúng biết thương ông anh rồi. Lâu nay nhiều người trong họ cứ bảo chúng cùn. Nhưng hôm nay chúng cho tôi thấy chúng có đến nỗi nào đâu.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước kiên quyết xử lý vi phạm về nồng độ cồn với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đã có tác dụng răn đe, ngăn ngừa hiệu quả, tạo chuyển biến cho người tham gia giao thông với suy nghĩ “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Nhiều người vì tính ngông, vì thiếu hiểu biết pháp luật đã phải trả giá. Không chỉ mất tiền, nhiều người còn bị mất mặt, thậm chí lâu dài còn mất cơ hội phát triển. Việc làm mạnh mẽ này đã tạo ra bước chuyển trong suy nghĩ, mà củ chuối như mấy đứa em họ tôi còn biết ngộ ra rằng lúc này đã lái xe thì không ưống rượu, bia gì cả. Điều này rất đáng mừng, nhưng vấn đề quan trọng là tính bền vững của nó tới đâu. Thì đó thôi, về đến nhà rồi mà tôi vẫn cứ ám ảnh mãi với yêu cầu mà mấy đứa em đưa ra rằng, hôm nay công an làm gắt nên miễn cho bác. Khi nào công an không làm nữa bác nhớ phải về trả nợ rượu cho bọn em đấy nhé.
Rất khó để chúng ta có thể căng mình ra trong thời gian dài để xử lý hết người vi phạm được. Và cách xử lý phần ngọn ấy cũng có thể xem chỉ là giải pháp tình thế, khiến nảy sinh sự đối phó, trốn tránh, người uống rượu vẫn lái xe nhưng lại tìm những con đường không có lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ để đi. Vấn đề đặt ra là, từ bước chuyển ban đầu này, phải tạo thành thói quen, ý thức thường nhật của người dân biết tôn trọng pháp luật hơn là sợ pháp luật, sợ mất tiền...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tao-buoc-chuyen-thuc-chat-ben-vung/198451.htm