Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính
Bộ phận một cửa huyện Đồng Xuân hướng dẫn người dân đăng ký giải quyết hồ sơ bằng DVCTT. Ảnh: THÙY THẢO
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Chính vì vậy, công tác cải cách hành chính cũng phải thích nghi kịp thời để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Chuyển đổi số (CĐS) được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá đối với nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Xóa dần khoảng cách
Mở được tài khoản trên điện thoại thông minh qua Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), có thể tự khai báo thông tin để nộp các loại thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến bất cứ nơi nào có mạng internet nên ông Lê Văn Phước ở xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa vui không kể xiết. “Tôi là nông dân, lại lớn tuổi nên lâu nay rất ngại tiếp cận với DVCTT. Từ ngày được hướng dẫn mở tài khoản, rồi chỉ cách sử dụng tận tình, tôi mừng lắm”, ông Phước bày tỏ.
Theo UBND huyện Tây Hòa, huyện đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, sử dụng các DVCTT trên Cổng DVC quốc gia, với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, từng bước xóa ranh giới khoảng cách số.
Là địa phương được UBND tỉnh chọn xây dựng, thực hiện đề án CĐS và xây dựng đô thị loại I trực thuộc tỉnh đến năm 2025, TP Tuy Hòa đã có các bước làm thay đổi hình ảnh của cơ quan quản lý Nhà nước, tạo nhiều thiện cảm trong giải quyết công việc đối với người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: UBND thành phố đã xây dựng cổng thông tin điện tử, phần mềm hệ thống phản ánh và tương tác tuyên truyền thành phố; kết nối liên thông giữa UBND thành phố với UBND cấp xã và trục liên thông văn bản của UBND tỉnh, giúp quá trình gửi, nhận văn bản giữa các cấp, ngành thuận lợi, nhanh chóng; quản lý, tra cứu hồ sơ, tài liệu dễ dàng. UBND thành phố cũng đã và đang phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ số; triển khai thanh toán điện tử; đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số, định danh số và niêm phong điện tử trong xử lý văn bản hành chính, cắt giảm giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ. Đồng thời đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tạo sự tương tác trực tiếp giữa chính quyền với Nhân dân, đánh dấu bước tiến mới trong công tác CĐS.
Người đứng đầu phải vào cuộc
Đến nay, 100% sở, ban ngành, UBND cấp huyện, xã đều thực hiện việc kết nối, liên thông với hệ thống quản lý văn bản điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở. Người dân đánh giá cao những tiện ích của công tác CĐS, nhất là tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tránh tình trạng bị sách nhiễu. Tuy nhiên, bước đầu, việc tiếp cận nhiều người vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt những người lớn tuổi, hạn chế về công nghệ thông tin. Ông Lê Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường 9, TP Tuy Hòa cho biết: “Tổ hướng dẫn của phường theo lịch hàng tuần đến từng nhà và các cuộc họp khu phố trực tiếp hướng dẫn để bà con cùng với chính quyền bắt nhịp với CĐS”.
Để hòa với nhịp CĐS, Sở GT-VT cũng đã hoàn thiện, kiện toàn tổ chức bộ máy, hiện đại hóa nền hành chính; rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả Cổng DVCTT. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Nguyễn Nam Long, VNPT sẽ huy động những nguồn lực tốt nhất để cùng đồng hành với Phú Yên về CĐS, trong đó chú trọng triển khai toàn diện các giải pháp về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phù hợp với yêu cầu và điều kiện của tỉnh. Đây là một bước đột phá giúp Phú Yên cải thiện chỉ số cải cách hành chính trong thời gian đến.
CĐS là giải pháp nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, theo Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Tỷ Khánh, để công cuộc CĐS của tỉnh thành công, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân phải đồng thời vào cuộc; trong đó người đứng đầu phải là người vào cuộc đầu tiên.
Với những nỗ lực trong cải cách hành chính, nhiều chỉ số của tỉnh được cải thiện: chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh xếp vị trí 35/63 tỉnh thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2020; chỉ số PAPI năm 2021 xếp vị thứ 45/63, tăng 14 bậc so với năm 2020; chỉ số CĐS - DTI năm 2021, Phú Yên xếp thứ 50/63, tăng 12 bậc so với năm 2020. Hiện nay, hệ thống cáp quang đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tỉ lệ văn bản đi/đến của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh trên môi trường mạng đạt 100%; 100% văn bản đi của các đơn vị được ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ và gửi qua Trục liên thông văn bản tỉnh. Đây là những tín hiệu vui cho CĐS năm 2023 và những năm tiếp theo.
Để thực hiện thành công việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, rất cần đổi mới nhận thức, tư duy, hành động của người dân, doanh nghiệp, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, cần phải thúc đẩy CĐS quốc gia thật mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện từ trung ương đến cấp cơ sở, tiến tới xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/292440/tao-buoc-dot-pha-trong-cai-cach-hanh-chinh.html