Tạo bước ngoặt phát triển kinh tế tư nhân
Thủ tướng khẳng định cần đột phá mạnh mẽ về kinh tế tư nhân, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế khu vực này để đóng góp vào thực hiện mục tiêu phát triển
Ngày 2-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân, chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo để rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ; thảo luận, cho ý kiến xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị.
Tạo điều kiện tiếp cận vốn, đất đai
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại phiên họp, Đề án phát triển kinh tế tư nhân đề xuất quan điểm kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, năng suất lao động, giải quyết việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đề án cũng khẳng định kinh tế tư nhân là lực lượng nòng cốt thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động tối đa mọi nguồn lực của người dân vào phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, đề án bám sát các định hướng, như kinh tế tư nhân được tự do kinh doanh trong tất cả các ngành nghề mà luật không cấm, cần có cơ chế đột phá để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững. Dự thảo đề án đã đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng biệt cho nhóm doanh nghiệp (DN) lớn, DN vừa đang tăng trưởng và nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận để hoàn thiện đề án, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân. Các vấn đề về hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng thể chế để bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, các vấn đề quyền tài sản, quyền sở hữu của kinh tế tư nhân đã được thảo luận để đưa cụ thể vào trong đề án quan trọng này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân, lưu ý đến các giải pháp về tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực về vốn và đất đai cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo Phó Thủ tướng, các điều kiện về tiếp cận nguồn vốn cần cởi mở hơn, thông thoáng hơn đối với DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa - những đối tượng cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt mạnh về vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trong xây dựng pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng cần quản lý dựa trên rủi ro. Theo ông, hiện nay quản lý tất cả DN đều theo phương pháp như nhau dẫn đến chi phí quản lý lớn, song hiệu quả mang lại không đạt như kỳ vọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họpẢnh: NHẬT BẮC
Khơi dậy niềm tin, khí thế mới
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là cần đột phá mạnh mẽ về kinh tế tư nhân, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế khu vực này nhằm đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã đề ra.
Về các nội dung cụ thể trong dự thảo đề án, Thủ tướng yêu cầu thống nhất nhận thức, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong tổng thể của nền kinh tế. Dự thảo đề án cần lưu ý đến các nội dung về bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh. Theo Thủ tướng, mọi người dân được tự do kinh doanh dưới nhiều hình thức khác nhau, phương pháp khác nhau; cần bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng với tài nguyên thiên nhiên, tài sản của đất nước.
Đối với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong đề án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước hết nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, tạo thống nhất cao, nhận thức đúng tầm, khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. Cùng với đó, xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế với định hướng thông thoáng, cắt bỏ những thủ tục rườm rà, không gây phiền hà, gây ách tắc cho DN, giảm tối đa thời gian, chi phí tuân thủ. Đặc biệt, phải bảo đảm việc thành lập DN đơn giản, thuận tiện, nhanh nhất có thể và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.
Về các giải pháp huy động nguồn lực, Thủ tướng đề nghị cần đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công - tư theo các mô hình "lãnh đạo công, quản trị tư", "đầu tư công, quản lý tư", "đầu tư tư, sử dụng công".
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải tin tưởng vào kinh tế tư nhân, phải đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho kinh tế tư nhân. Đồng thời, khuyến khích mọi người dân, DN phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế, mang lại hiệu quả cho xã hội, làm giàu cho chính mình, gia đình và làm giàu cho đất nước.
Theo Thủ tướng, nhằm tạo bước ngoặt phát triển kinh tế tư nhân, phải thúc đẩy quản trị thông minh, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và DN, tăng năng suất lao động. Ngoài ra, cần có cơ chế huy động, giao nhiệm vụ cho DN tư nhân tham gia các công trình trọng điểm quốc gia, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. "Cần mạnh dạn tin tưởng giao việc khó cho thành phần kinh tế tư nhân, có cơ chế giao kinh tế tư nhân tham gia phát triển, hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, an ninh" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Thủ tướng yêu cầu tổ biên tập tiếp thu để hoàn thiện đề án bảo đảm chất lượng. Song song đó, các cơ quan liên quan cần xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để ban hành, tổ chức thực hiện ngay sau khi đề án, nghị quyết được Bộ Chính trị thông qua. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án luật về kinh tế tư nhân.
Thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 940.000 DN và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, 82% tổng số lao động. Nhiều DN tư nhân phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản chưa được bảo đảm đầy đủ. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao.
TS LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Vietnam:
Cần những quyết sách để nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân
Để kích hoạt tiềm năng vô cùng to lớn của khu vực kinh tế tư nhân, cần những quyết sách để nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân, để quyền tự do kinh doanh được củng cố mạnh mẽ hơn nữa và doanh nhân thực sự được phép tự do làm những điều pháp luật không cấm. Những quyết sách đó sẽ tạo nền tảng để quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và DN tiếp tục được khẳng định.
Theo tôi, các quyết sách đối với khu vực kinh tế tư nhân cần đưa ra định hướng để trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật được xây dựng theo hướng không chỉ phục vụ mục tiêu quản lý của cơ quan nhà nước mà còn đóng vai trò kiến tạo để khơi thông nguồn lực, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Hệ thống pháp luật phải sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ và cơ chế thị trường trong huy động, phân bổ nguồn lực, khai thông được nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống pháp luật cần khuyến khích được tinh thần đầu tư mạo hiểm, dám chấp nhận rủi ro và hình thành được hệ sinh thái để hỗ trợ các dự án đầu tư mạo hiểm, ý tưởng kinh doanh của các DN, dù là lớn hay nhỏ.
Chúng ta lấy kinh tế tư nhân làm trụ cột chính và động lực chính là góp phần nâng cao năng lực nội sinh, củng cố vị thế tự lực, tự cường của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM:
Bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước
Để giúp DN tư nhân phát triển bền vững, bảo đảm không chỉ phát triển về số lượng mà còn nâng cao chất lượng và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu thì cần các chính sách hỗ trợ dài hạn,
Nhà nước cần xây dựng chính sách ưu đãi công bằng, khuyến khích kinh tế tư nhân tiếp cận dễ dàng các nguồn lực của đất nước nhằm khai thác và sử dụng tối ưu các nguồn lực này. Cụ thể, cần xây dựng chính sách bình đẳng giữa DN tư nhân với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, ưu đãi nào đang có cho DN nhà nước thì tất cả DN tư nhân cũng được tiếp cận; các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất... cho FDI cũng được áp dụng chung cho DN tư nhân.
T.Phương - T.Nhân ghi
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tao-buoc-ngoat-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-196250402215128374.htm