Tạo bước ngoặt trong hành trình vươn mình của nền kinh tế

Theo PGS.TS. NGUYỄN THƯỜNG LẠNG, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo ra bước ngoặt, hỗ trợ trực tiếp cho quá trình vươn mình của nền kinh tế, đưa Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Đột phá quan trọng nhất là đổi mới tư duy

- Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 22.12.2024 có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, thưa ông?

- Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Do đó, giai đoạn 2025 đến năm 2045 có tính bước ngoặt, là giai đoạn cất cánh của nền kinh tế nước ta và Nghị quyết 57 sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ quá trình phát triển này. Đây là Nghị quyết “mở cửa”, coi khoa học công nghệ thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là yếu tố cốt lõi của đổi mới sáng tạo để chuyển mình thành công.

 PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng

- Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; ông đánh giá như thế nào về những mục tiêu này?

- Mục tiêu thuộc 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á và nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh là hoàn toàn phù hợp và có cơ sở để thực hiện.

Đến thời điểm hiện tại, những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã cải thiện mạnh mẽ. Cùng với đó là sự vào cuộc, sự quan tâm đầu tư của cả Nhà nước, khu vực của tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - cả ba lực lượng này đều coi khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi, có tính chất bứt phá. Thực tế chứng minh những doanh nghiệp Việt Nam dựa vào khoa học công nghệ để phát triển cũng đã thành công. Và theo số liệu thống kê, xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam đứng hàng đầu các nước Đông Nam Á. Chúng ta đã vượt qua mức trung bình thế giới, tỷ trọng của hàng xuất khẩu công nghệ cao Việt Nam khoảng 40 - 45%.

- Theo ông, đâu là giải pháp mới, mang tính đột phá trong Nghị quyết 57?

- Theo tôi, giải pháp có tính đột phá quan trọng chính là đổi mới tư duy. Giải pháp này xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đổi mới tư duy ở đây là nhìn nhận khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi, là cội rễ để có đổi mới sáng tạo; và phải tạo môi trường để các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân nhận thức được điều đó. Khi đã có tư duy đúng thì chắc chắn sẽ có hành động đúng.

Bên cạnh tư duy tốt, chúng ta cần nguồn lực mạnh, đặc biệt là tài chính và con người. Chi tiêu cho khoa học công nghệ ở Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 0,4 - 0,5% GDP theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong khi ở Hàn Quốc là từ 4,2 - 4,3%, Mỹ và Trung Quốc từ 2 - 3%. Lần này, Nghị quyết 57 xác định kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển; bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược. Đây là những nội dung có ý nghĩa rất lớn.

Rủi ro của khoa học công nghệ là mẹ đẻ của thành công sau đó

- Nghị quyết xác định: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm với mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số”; ông nghĩ sao về điều này?

- Thực tiễn ở tất cả các quốc gia thành công, người ta đã thành lập thung lũng về khoa học, các quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo. Vì đổi mới sáng tạo là tìm những thứ chưa bao giờ có, do đó phải có xác suất chấp nhận rủi ro, không phải cứ đầu tư là thành công. Công nghệ càng lớn, thử nghiệm càng lớn, nghiên cứu, phát triển càng lớn thì rủi ro càng cao.

Chính vì vậy, tôi rất đồng tình với quan điểm của Nghị quyết 57 là chấp nhận rủi ro, có thể xóa nợ cho những dự án đầu tư đổi mới sáng tạo không thành công, hoặc có thể cho vay lãi suất ưu đãi, miễn thuế... Đây là những động lực trực tiếp, đặc biệt quan trọng để các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu - những người đam mê khoa học công nghệ cùng vào cuộc, tham gia thực sự, thực chất. Điều này cũng thể hiện chỗ dựa vững chắc đến từ Nhà nước, từ đó loại bớt các rào cản vô hình, tăng niềm tin và thúc đẩy doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nhiều hơn.

Rủi ro của khoa học công nghệ là mẹ đẻ của thành công sau đó! Chính vì vậy, có cơ chế chấp nhận rủi ro, bảo hiểm cho sự rủi ro, phòng ngừa rủi ro và đặc biệt cơ chế tạo điều kiện cho các nhà khoa học dám chấp nhận rủi ro là điều rất tốt và cần thiết phải làm.

- Nhân lực, cùng với thể chế, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược, được xác định là những nội dung trọng tâm, cốt lõi và một trong những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 57 là phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Về đào tạo nguồn nhân lực, theo ông cần tập trung vào những vấn đề gì?

- Trong khoa học công nghệ cốt lõi phải có nhà khoa học đồng hành, phải có những nghiên cứu đột phá, phải có đội ngũ con người, nhóm nghiên cứu xuất sắc, tinh hoa và phải có sự kết nối lẫn nhau. Lực lượng đó từ trước đến nay chúng ta đã tập trung xây dựng, nhưng trong điều kiện mới phải đầu tư gấp 3 gấp 4 lần để tạo ra lực lượng mạnh hơn. Đặc biệt, các trường đại học, Viện nghiên cứu, từ các mạng lưới kết nối nhà khoa học trong và ngoài nước, kể cả các nhà khoa học nước ngoài có thể tham gia để phối hợp nghiên cứu.

Theo tôi, cần xây dựng được đội ngũ, mạng lưới mạnh, dày, có sự kế tục, coi trọng bồi đắp cá nhân các nhà khoa học có khả năng đưa ra những đột phá mới; đồng thời, có sự biểu dương, cơ chế tạo điều kiện, bảo đảm khuyến khích các nhà khoa học đưa ra các đột phá. Phải có chiến lược phát triển lực lượng khoa học công nghệ giai đoạn vươn mình của nền kinh tế, tránh tình trạng đắp chỗ này, vá chỗ khác, gây lãng phí nguồn lực. Trong đào tạo nguồn nhân lực nên chọn những lĩnh vực có tính mũi nhọn như chất bán dẫn, công nghệ số, công nghệ sinh học, lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi xanh.

Đặc biệt, các nhà khoa học Việt Nam cần kiên trì, hợp tác với nhà khoa học nước ngoài để có thể vừa nghiên cứu, phát minh nhưng cũng phải giải mã các công nghệ các nước đang làm chủ.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-buoc-ngoat-trong-hanh-trinh-vuon-minh-cua-nen-kinh-te-post400417.html