Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành công nghiệp 'nhìn thẳng vào sự thật', thực hiện loạt giải pháp đột phá
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh ngành công nghiệp cần đổi mới trong tư duy, quyết liệt trong hành động để góp sức hiện thực mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Công nghiệp năm 2024 đạt nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, công nghiệp là một trong những ngành sản xuất vật chất, đóng một vai trò rất quan trọng và quyết định đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Ngay với ngành sản xuất vật chất như nông nghiệp cũng có nhiều khâu công nghiệp phải tham gia, từ chế biến giống, làm đất, chăm sóc, nuôi dưỡng, thu hoạch, bảo quản, đến chế biến. Như vậy có thể nói, trong ngành sản xuất vật chất, công nghiệp chi phối rất lớn và đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Trong lĩnh vực thương mại, có tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu được nhiều hay không cũng phải nhờ vào công nghiệp để sản xuất ra sản phẩm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 120 tỷ USD, chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng giá trị tiêu thụ bao gồm cả trong nước và xuất khẩu. “Một vài số liệu cho thấy vai trò của rất quan trọng của công nghiệp trong nền kinh tế”, Bộ trưởng nêu và nhấn mạnh: “Chính vì sự quan trọng đó, tập thể và Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ từ xưa đến nay, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ đến giờ rất quan tâm đến lĩnh vực này. Cá nhân tôi đặc biệt chú trọng lĩnh vực công nghiệp”.
Điểm lại tình hình phát triển công nghiệp trong năm 2024, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2024, công nghiệp tiếp tục đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, 11 tháng năm 2024 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,4% và dự báo ngành sẽ đạt tăng trưởng trên 8% so với năm trước. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ. Hầu hết các địa phương trong cả nước đều có chỉ số phát triển công nghiệp tăng hơn, một số địa phương tăng ở mức 2 con số.
Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ, thậm chí thua lỗ tồn đọng từ những năm trước thì trong năm 2024 đã được ngành Công Thương giải quyết, khắc phục khá nhiều. Theo đó, dự án chậm tiến độ được triển khai nhanh hơn, hiệu quả thấp đã được nâng lên, như dự án đạm Ninh Bình và một số dự án ở Thái Nguyên đã có chuyển biến tích cực.
Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, năm 2024, công nghiệp nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào. Trong thành tựu ấy có sự đóng góp quan trọng và khá tích cực của Cục Công nghiệp với tư cách là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Quản lý nhà nước tựu trung có ba nhiệm vụ chính: Một là xây dựng các quy hoạch, kế hoạch; hai là tham mưu cơ chế chính sách; ba là thanh tra, kiểm tra. Có thể nói, chúng ta đã và đang thực hiện được nhiều vấn đề trong 3 việc chủ yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành.
Nhìn thẳng vào sự thật để thấy những hạn chế, bất cập cần khắc phục
Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp.
Đầu tiên theo Bộ trưởng là sự phát triển còn thiếu cơ sở vững chắc. Mặc dù tăng trưởng nhưng chủ yếu là công nghiệp có tính gia công, giá trị thấp. Hay nói cách khác, chúng ta mới phát triển những ngành công nghiệp và những phân khúc có giá trị gia tăng thấp.
Hạn chế thứ hai, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị công nghiệp của cả nước. Đối chiếu sang lĩnh vực xuất khẩu sẽ thấy 74,6% giá trị xuất khẩu là từ khu vực FDI. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp nội chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của các ngành.
Hạn chế thứ ba, công nghiệp nhìn chung chưa tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự dịch chuyển đầu tư từ các công ty đa quốc gia sang nước thứ ba và cũng chưa tận dụng tối đa được các hiệp định thương mại tự do. “Bằng chứng là chúng ta chỉ có 24%, còn 76% là doanh nghiệp FDI, một số doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng nhìn chung còn ở khu vực thấp. Rõ ràng doanh nghiệp chưa tận dụng được Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chưa tận dụng được xu thế dịch chuyển, chưa thu hút được FDI”, Bộ trưởng nêu và chỉ ra: "Thu hút FDI không chỉ đơn giản tính bằng giá trị xuất khẩu mà phải tính bằng năng lực và nội lực của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng ra sao? Chúng ta xem trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc thì các doanh nghiệp của chúng ta tham gia được bao nhiêu trong phân khúc này?".
Hạn chế thứ tư, ngành công nghiệp còn rất gian nan mới có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bởi chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi. Bộ trưởng lưu ý, đây là điều phải nhìn lại, chúng ta vẫn nói về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, "đây là vấn đề phải rất thẳng thắn, chứ không thể nói cho hài lòng" - Bộ trưởng nhấn mạnh
Hạn chế thứ năm, công nghiệp vẫn thiếu những ngành công nghiệp có tính nền tảng, như: Công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế tạo chế biến, điện tử, hóa chất, năng lượng.
Bộ trưởng lấy ví dụ, về công nghiệp hóa chất, hóa chất cơ bản chúng ta chưa làm chủ được, hầu như phải nhập khẩu. Hay về công nghiệp vật liệu cũng tương tự. Giá trị xuất khẩu hơn 400 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay là hơn 800 tỷ USD, có thể đạt ngưỡng 800 tỷ USD nhưng xuất siêu chỉ đạt 23-24 tỷ USD. "Điều đó chứng tỏ chúng ta đang ở một phân khúc rất mỏng. Dày hơn lại là phân khúc khác, đó là phân khúc vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo"- Bộ trưởng phân tích.
Sáu nguyên nhân cần nhìn nhận nghiêm túc
Sau khi phân tích những hạn chế, bất cập, Bộ trưởng chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan gây nên hiện trạng trên gồm:
Nguyên nhân thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, chúng ta vẫn thiếu chủ động và chậm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chiến lược, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các cơ chế chính sách.
Nguyên nhân thứ hai, cơ chế, chính sách còn phân tán, nhỏ lẻ chưa thật sự hấp dẫn, chưa khả thi, thậm chí kém hiệu quả và chưa đi vào cuộc sống.
Đầu tư từ ngân sách cho một số chương trình khuyến công, công nghiệp hỗ trợ không ít; đầu tư cho khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo không dưới 2% ngân sách hằng năm cũng không phải ít nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế, một phần do chất lượng công tác tham mưu…
Nguyên nhân thứ ba, hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp chưa được phát huy. Về điều này, Bộ trưởng chỉ ra, chúng ta tham gia nhiều chương trình hợp tác tuy nhiên mới chỉ giải quyết các vấn đề không căn bản, không tạo ra được kết quả có tính đột phá cho công nghiệp. Kể cả hợp tác trong xây dựng hoạch định chính sách; đào tạo; tập huấn kỹ thuật; chuyển giao một số công nghệ trong một số công đoạn… đều manh mún chưa tạo được sự chuyển động về chất trong lĩnh vực công nghiệp.
Nguyên nhân thứ tư, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc huy động nguồn lực xã hội cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế. Lấy ví dụ trong lĩnh vực bán dẫn, Bộ trưởng cho rằng, những nước khác hút đầu tư vào bán dẫn đã hỗ trợ rất lớn cho nhà đầu tư như Mỹ đầu tư 280 tỷ USD, Trung Quốc hỗ trợ 92 tỷ USD; Hàn Quốc hỗ trợ 61 tỷ USD nhưng chúng ta “không có tỷ nào”. “Nếu chúng ta tư duy mạnh dạn hơn, tôi có thể bỏ tiền này nhưng lại thu được nhiều đồng tiền khác, bỏ tiền lẻ và thu tiền chẵn chứ không phải là chúng ta bỏ ra là mất” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ năm, công thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên, kém hiệu quả. Nếu công tác này được chú trọng, thường xuyên thực hiện sẽ không xảy ra tình trạng có những dự án đắp chiếu nhiều năm, hay tình trạng vướng mắc kéo dài không được giải quyết.
Nguyên nhân thứ sáu, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên không thể không kể đến, đó là sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng còn hạn chế.
5 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025
Về bối cảnh tình hình trong thời gian tới, Bộ trưởng lưu ý: Năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm giai đoạn 2021-2025 và cũng là nền tảng cho những năm tiếp theo.
Bộ trưởng nhấn mạnh phải có nhiều giải pháp để góp phần đạt được tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước năm 2025, dự kiến là tăng trưởng 8% trở lên. Đặc biệt là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 2 con số, tức là từ 10% trở lên theo định hướng của Đảng, ngành công nghiệp phải đạt tăng trưởng 12-13%.
Năm 2024, công nghiệp tăng trưởng khoảng 8,4% trên nền tăng trưởng giảm thấp của năm 2023. Nhưng sang năm 2025, ngành phải đạt mức tăng trưởng 12-13% trên nền 8,4% của năm nay cộng vào. "Đó là một thách thức ghê gớm, đòi hỏi chúng ta phải thực sự đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động", Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh.
Năm 2025 cũng là năm toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời với Nghị quyết này thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu và giao cho Quốc hội, Chính phủ phải bố trí đủ nguồn lực, có cơ chế đủ mạnh và khả thi để thực hiện những cuộc chuyển đổi. Trong bối cảnh chung như vậy, công nghiệp - lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế - vừa là đối tượng thụ hưởng, nhưng cũng là lực lượng thực hiện, do đó đây là thách thức lớn không thể xem thường.
Hơn nữa, cả hệ thống chính trị đang phải rà soát, tinh gọn bộ máy, điều này có thể gây xáo trộn trong thời gian ngắn, ảnh hưởng tới triển khai công tác. Cộng hưởng cùng tình hình thế giới và khu vực đầy bất ổn, cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại rất khó đoán định.
Trong bối cảnh như vậy, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trên, đồng thời tạo đột phá cho ngành công nghiệp phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho Cục Công nghiệp.
Thứ nhất, phải quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, nhất là những định hướng để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, theo hướng ứng dụng mạnh khoa công nghệ đổi mới sáng tạo; phát triển nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trở lên.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Tiếp tục hội nhập sâu, có chất lượng vào nền kinh tế thế giới, tham gia sâu một cách tự tin vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
“Cần phải quán triệt điều đó để tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Đạt được yêu cầu ngành, nhưng đồng thời phải đúng với chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu và đề xuất để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những cơ chế, chính sách có tính đột phá, thật sự hấp dẫn và khả thi nhằm thực hiện bằng được những chủ trương, định hướng lớn của Đảng; bắt kịp xu thế phát triển và tốc độ phát triển của thế giới theo hướng xanh, số, tuần hoàn, chia sẻ, bắt được nhịp của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hình thành và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, xây dựng củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.
”Chúng ta đã lỡ nhiều rồi, đã đến lúc chúng ta không thể lỡ. Muốn bằng người ta phải đi tắt đón đầu, đây là lợi thế của người đi sau. Phải hình thành, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, xây dựng củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập. Muốn thế, chúng ta phải cách mạng ngay trong tư duy, cách mạng trong suy nghĩ và quyết liệt trong hành động” - Bộ trưởng chỉ đạo.
Về Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Bộ trưởng chỉ đạo không thể chậm trễ được nữa, cố gắng vận hành để đến tháng 6 đưa ra Quốc hội, để tháng 10/2025 sẽ thông qua. Tương tự, Luật sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả sẽ phải đưa ra kỳ tháng 2 để trình và tháng 6 thông qua. Tháng 2 sẽ làm kép 2 việc, một là thông qua Luật Hóa chất, hai là trình lần đầu Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ ba, phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực: Hợp tác quốc tế trong xây dựng thể chế; hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, kể cả chuyên gia, kể cả kỹ thuật; hợp tác trong kỹ năng quản trị; hợp tác trong chuyển giao công nghệ, có cơ chế cho doanh nghiệp FDI có lộ trình chuyển giao công nghệ; hợp tác đầu tư, đặc biệt là hợp tác đầu tư ra nước thông qua cơ chế đa phương, song phương, thông qua thu hút đầu tư FDI, thông qua hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
Thứ tư, khẩn trương tiếp thu và hoàn thiện trình Chính phủ và trình Quốc hội các dự án luật có liên quan đến phát triển công nghiệp, như Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, tham mưu sửa đổi bổ sung các luật và nghị định có liên quan đến phát triển công nghiệp. Đồng thời, tham mưu Bộ trình Chính phủ rà soát điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ năm, để đáp ứng những nhiệm vụ trên cần rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18; chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, mạnh dạn thanh lọc đội ngũ và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực.
Năm 2024, sản xuất công nghiệp không chỉ phục hồi tích cực mà còn có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023. Quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng: Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước - là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.
Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo trở lại vai trò động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao.
Các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế tiếp tục phát triển (luyện kim, sắt thép; điện - điện tử; dệt may, da giày; cơ khí chế tạo, ô tô, xe máy...), tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đạt được kết quả này, Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng nhấn mạnh, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng sự phối hợp triển khai các hoạt động của đơn vị thuộc bộ. Cùng đó, Cục Công nghiệp đã góp sức đáng kể thông qua công tác điều hành, tham mưu, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương.