Tạo bứt phá cho công tác giảm nghèo

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách mà trong năm 2022, công tác giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam đã đạt và vượt chỉ tiêu ngoạn mục. Các địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi - nơi chiếm phần lớn số hộ nghèo của tỉnh đã đi qua ngưỡng khó nhờ sự chung tay hỗ trợ hiệu quả của cả cộng đồng xã hội.

Hỗ trợ toàn diện để người dân thoát nghèo

Cuối năm 2021, khi áp chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam tăng nhanh, từ 50% dân số là hộ nghèo. Đây là con số báo động về tính bền vững của việc thoát nghèo ở miền núi, khu vực khó khăn. Tuy nhiên, trong cái khó đã bật ra được nhiều cách làm hiệu quả. Không chỉ làm con số hộ nghèo giảm kỷ lục mà còn ở sự thay đổi nhận thức, phát huy hiệu quả chính sách giảm nghèo.

Tạo sinh kế tại chỗ là cách thức giảm nghèo bền vững. Nguồn: ITN

Tạo sinh kế tại chỗ là cách thức giảm nghèo bền vững. Nguồn: ITN

Cụ thể, phong trào chung tay vì người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau đã được cộng đồng hưởng ứng tích cực. Mặt trận các cấp đã phát động nhiều phong trào chung tay vì người nghèo hiệu quả, thiết thực, trong đó Quỹ Vì người nghèo các cấp đã vận động hơn 40 tỷ đồng. Các địa phương vận động cộng đồng, gia đình tham gia đối ứng tiền mặt, ngày công và vật liệu hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hội, đoàn thể và nhân dân tiếp tục phát động, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua vì người nghèo, nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo về nhiều mặt và đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như hỗ trợ phương tiện, công cụ sản xuất, buôn bán nhỏ, trợ giúp học tập, y tế...

Như gia đình bà Nguyễn Thị Ái và ông Nguyễn Văn Công (thôn 3, Trà Cang, huyện Nam Trà My) đã được hỗ trợ sắp xếp dân cư vào năm 2019. Sau khi ổn định chỗ ở, ông Công được giới thiệu học nghề lái xe múc và đang làm việc cho đơn vị thi công công trình ở huyện. Điều kiện tiếp cận đa chiều của gia đình bảo đảm các tiêu chí mới, trong năm 2022, gia đình ông bà đã thoát khỏi diện nghèo.

Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, Quảng Nam hiện có 29.829 hộ nghèo (tỷ lệ 6,8%), giảm 3.318 hộ so với 2021 (giảm 0,8%). Kết quả giảm nghèo toàn tỉnh năm 2022 vượt chỉ tiêu tỉnh giao tại Quyết định 467/QĐ-UBND ngày 23.2.2022 (chỉ tiêu giao 3.000 hộ); tỷ lệ giảm vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định 653 ngày 28.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ (chỉ tiêu giao 0,3 - 0,4%).

Để Nghị quyết tạo nên sức bật

Từ kết quả giảm nghèo năm 2022, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X đã ban hành nghị quyết, với yêu cầu UBND tỉnh tăng cường và tập trung hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm giảm nghèo thực chất, đáp ứng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 của Chính phủ. Đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, xác định và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm đúng quy định, làm cơ sở đề xuất chỉ tiêu giảm hộ nghèo hàng năm và đề ra giải pháp hỗ trợ thoát nghèo cụ thể, phù hợp, bảo đảm việc trợ giúp các hộ thoát nghèo bền vững theo từng hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo, điều kiện và nguyện vọng cần hỗ trợ của hộ nghèo, không áp đặt chỉ tiêu giảm nghèo cho hộ không có khả năng thoát nghèo.

Chia sẻ về công tác giảm nghèo của Quảng Nam trong năm tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhìn nhận rằng, có rất nhiều việc cần làm nhưng tiêu chí quan trọng hơn cả là thu nhập của người dân. Vì vậy, cần tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống theo quy định tại Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 21.4.2022 của HĐND tỉnh.

Đã có nhiều nghị quyết của HĐND tỉnh dành cho khu vực miền núi, nhưng việc triển khai thực hiện các nghị quyết còn hạn chế. Do đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các ngành phối hợp với địa phương đánh giá lại các nghị quyết cho khu vực miền núi, xem nguyên nhân vì sao việc triển khai trục trặc, khó khăn.

Để quyết tâm thực hiện giảm 3.000 hộ nghèo theo chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra trong năm 2023, đồng thời, đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ nghèo của tỉnh ít nhất xấp xỉ bình quân chung của cả nước; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh cho rằng, các ngành, địa phương chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, bảo đảm tiến độ giải ngân nguồn vốn chương trình hàng năm, tránh làm mất vốn. Tăng cường lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, chính sách và nguồn lực huy động khác để thực hiện công tác giảm nghèo.

Về công tác truyền thông, cần đầu tư, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức, chủ động, trách nhiệm trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Gắn đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy, nhân rộng các gương thoát nghèo, mô hình, điển hình thoát nghèo. Đặc biệt, tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Dương Lê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/tao-but-pha-cho-cong-tac-giam-ngheo-i314836/