Tạo bứt phá về ứng dụng công nghệ thông tin
Theo báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 (DTI 2020) vừa được công khai, ở nhóm 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu về mức độ chuyển đổi số. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Nam – Phó Cục trưởng Cục Tin học và thống kê (Bộ Tài chính) xung quanh nội dung này.
PV: Ông có thể cho biết, Bộ Tài chính đã thực hiện xây dựng và hoàn thiện thể chế để khuyến khích đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào?
Ông Hoàng Xuân Nam: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua các chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài chính khi được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung đã tạo điều kiện thuận lợi, dành nhiều ưu đãi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.
Triển khai nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành kế hoạch hành động của Bộ Tài chính về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.
Ông Hoàng Xuân Nam
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đồng thời, cập nhật các nội dung, định hướng của Chính phủ vào Kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành Tài chính giai đoạn 2021-2025 và dự thảo chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2366/QĐ-BTC ngày 31/12/2020 ban hành Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số, trong đó xác định rõ các mục tiêu cho các giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 cùng các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.
Như vậy có thể nói, cho đến nay hệ thống cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong triển khai Tài chính số, các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch để hình thành lên hệ sinh thái số trong ngành Tài chính về cơ bản đã được ban hành đầy đủ.
PV:Thời gian qua, ngành Tài chính đã tập trung phát triển, tạo bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực CNTT – truyền thông. Ông có thể chia sẻ thông tin về nội dung này?
Ông Hoàng Xuân Nam: Đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả nhiều công nghệ mới, công nghệ lõi như: công nghệ di động, công nghệ phân tích dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để triển khai cung cấp Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính. Qua đó đã rút ngắn được thời gian trả lời, giải đáp các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về cơ chế chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được nghiên cứu, xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn từng bước đáp ứng được yêu cầu thông tin dữ liệu, phục vụ quản lý, điều hành và hoạch định chính sách của ngành Tài chính.
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông
Các nền tảng phát triển Chính phủ điện tử/Chính phủ số, thực hiện chuyển đổi số được quan tâm và tích cực triển khai thực hiện. Bộ Tài chính đang thực hiện các thủ tục xây dựng nền tảng điện toán đám mây ngành Tài chính và trong tương lai sẽ tích hợp với điện toán đám mây của Chính phủ. Các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi của ngành Tài chính (TABMIS, VNACCS/VCIS, TMS,…) đang được ngành Tài chính nghiên cứu để triển khai xây dựng thế hệ mới, áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hướng tới mục tiêu đến năm 2025, một số lĩnh vực trọng yếu của ngành Tài chính cơ bản hoàn thành việc xây dựng Chính phủ số.
Trong lĩnh vực thuế và hải quan đã có quyết tâm và nỗ lực lớn để triển khai tốt các nghị quyết của Chính phủ như triển khai ứng dụng CNTT hỗ trợ kê khai thuế, hải quan điện tử đều vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến tháng 9/2021, số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đã đạt hơn 99%, có 99,11% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử...
Kết quả ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính đã mang lại sự cải thiện đáng kể trong công tác quản lý tài chính ngân sách theo hướng hiện đại, từng bước tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát tài chính, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách hành chính, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ... tăng độ chính xác, tính kịp thời và minh bạch trong báo cáo tài khóa, kế toán và thống kê ngân sách nhà nước.
PV: Vậy những bài học kinh nghiệm nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Hoàng Xuân Nam: Qua thực tế triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong ngành Tài chính, theo tôi trước hết chúng ta cần tập trung nguồn lực, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong toàn ngành Tài chính về việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Việc triển khai chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cần thực hiện kiên trì, thường xuyên với các mục tiêu và giải pháp rõ ràng. Xác định một cách cụ thể vấn đề ứng dụng CNTT trong giai đoạn hiện nay không phải nhằm mục tiêu tin học hóa các quy trình nghiệp vụ mà là những giải pháp công nghệ hỗ trợ nghiệp vụ, lấy phân tích dữ liệu và nghiệp vụ thông minh giữ vị trí trung tâm.
Chúng ta cần chú trọng xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số, đây là điều kiện tiên quyết có thể tiến hành thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Tài chính, các chính sách tài chính tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong triển khai tài chính số.
Việc triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cần phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào các lĩnh vực hoạt động của ngành, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...
PV: Xin cảm ơn ông!
Đã tích hợp đạt gần 53,5% dịch vụ công trực tuyến lên cổng quốc gia
Tính đến ngày 8/10/2021, Bộ Tài chính có 896 dịch vụ công trực tuyến, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 94; số dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 269; số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 81; số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 452 (tổng DVCTT mức độ 3, 4 là 533).
Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã hoàn thành kết nối, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là: 285/533 (đạt tỷ lệ 53,47%). Trong đó: Tổng cục Thuế 150 dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Hải quan 72 dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước 7 dịch vụ công trực tuyến, cơ quan Bộ Tài chính 56 dịch vụ công trực tuyến.