Tạo cảnh quan xanh - sạch cho vùng chè

Nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch cho vùng chè, thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, người dân các vùng chè trên địa bàn huyện Phú Lương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Qua đó, tạo không gian xanh mát, môi trường trong lành, đảm bảo sức khỏe cho chính những người trồng chè.

Người dân xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh, trồng hàng cây cau ven đường nhằm tạo cảnh quan cho vùng chè.

Người dân xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh, trồng hàng cây cau ven đường nhằm tạo cảnh quan cho vùng chè.

Huyện Phú Lương hiện có trên 4.100ha chè, tập trung chủ yếu ở các xã: Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô và Yên Lạc. Địa phương hiện có 45 làng nghè chè, trong đó có 10 làng nghề chè truyền thống, tạo việc làm cho trên 4.600 lao động.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Lương cho biết: Để đảm bảo không gian và môi trường ở các vùng chè, chúng tôi phối hợp với các xã và các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền người dân trồng một số loại cây, hoa dọc đường, bên cạnh những nương chè xanh tốt. Phòng cũng tham mưu với UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn.

Giai đoạn 2021-2024, huyện đã thu gom được trên 50.000kg chất thải là vỏ thuốc BVTV tại các vùng trồng chè. Đến nay, 100% bao bì chứa hóa chất BVTV tại các làng nghề, vùng trồng chè được thu gom, xử lý theo quy định. - ông Nguyễn Mạnh Dũng

Đến các xã Tức Tranh, Vô Tranh, Yên Lạc… chúng tôi thấy các nương chè, đồi chè bát úp đang lên tươi tốt. Nhiều nương chè gần trục đường xã, xóm được người dân trồng hàng cây cau, hoa dâm bụt, hoa cánh bướm… tạo cảnh quan xanh mát, khiến người đi đường muốn dừng chân để “check in”. Các bể chứa bằng bê tông có nắp đậy được bố trí ở những vị trí thuận tiện cho bà con để vỏ thuốc BVTV sau khi đã sử dụng hết.

Xã Tức Tranh bố trí hơn 200 bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật bằng bê tông, đặt tại các vùng trồng chè trên địa bàn.

Xã Tức Tranh bố trí hơn 200 bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật bằng bê tông, đặt tại các vùng trồng chè trên địa bàn.

Bà Tống Thị Xuyến, Giám đốc Hợp tác xã chè Hoan Xuyến, xã Vô Tranh cho hay: Bên cạnh chăm sóc chè đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, các thành viên trong hợp tác xã đều có ý thức giữ gìn môi trường xung quanh vùng trồng chè. Tôi luôn nhắc nhở các thành viên, sau khi sử dụng thuốc BVTV xong, phải cho vào túi để mang về nhà, phân loại rồi chờ xe chở rác chuyên dụng của huyện đến thu gom. Điều này không những tạo cho vùng chè lúc nào cũng sạch, mà còn đảm bảo sức khỏe cho chính các thành viên.

Hơn nữa, vỏ thuốc BVTV được thu gom cẩn thận sẽ không làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước của vùng chè sau này. Với 15ha chè hiện có được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, hợp tác xã đã có 7ha được cấp mã số vùng trồng. - bà Tống Thị Xuyến

Còn tại xã Tức Tranh, địa phương có đến 1.145ha chè, việc tuyên truyền để người dân hình thành thói quen thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau sử dụng được chính quyền và các tổ chức, đoàn thể thực hiện thường xuyên.

Cảnh quan các vùng chè trên địa bàn huyện Phú Lương luôn trong lành, thoáng đãng. Trong ảnh: Người dân xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh thu hái chè chính vụ.

Cảnh quan các vùng chè trên địa bàn huyện Phú Lương luôn trong lành, thoáng đãng. Trong ảnh: Người dân xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh thu hái chè chính vụ.

Ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi luôn đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, đặc biệt là môi trường tại những vùng trồng chè nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, thu hút khách tham quan, du lịch.

Từ nguồn hỗ trợ của huyện, xã đã lắp đặt hơn 200 bể chứa vỏ thuốc BVTV bằng bê tông tại các nương chè, đồi chè. Trung bình 2 lần/năm, địa phương chỉ đạo các tổ tự quản vệ sinh môi trường ở các xóm, thu gom vỏ thuốc BVTV từ các bể đến điểm tập kết, để đơn vị chức năng vận chuyển theo quy định. - ông Lê Minh Thảo

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây, sau khi sử dụng thuốc BVTV để bón cho cây, người dân trồng chè trên địa bàn huyện Phú Lương chưa hình thành thói quen để vỏ, chai lọ thuốc BVTV vào đúng nơi quy định. Có khi vứt vương vãi ngay trên đồi chè hay gần khu vực lấy nước để pha thuốc.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng này đã gần như không còn, ý thức người dân sau khi sử dụng thuốc BVTV được nâng lên rõ rệt. Cảnh quan, môi trường nông thôn, nhất là tại các vùng trồng chè được người dân chú trọng, quan tâm cải tạo để bất cứ ai khi đến với các vùng chè Phú Lương đều có chung cảm nhận, nơi đây là vùng quê yên bình, với không khí trong lành, đáng sống.

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Phú Lương đã có trên 1.000ha chè được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 34ha chè được chứng nhận hữu cơ; 71,4ha chè đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn, chất lượng và được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp mã số vùng trồng; 18 sản phẩm trà được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao… Tại một số xóm, làng nghề chè đã hình thành mô hình sản xuất, chế biến chè gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thu hút khách tham quan như: Làng nghề chè xóm Khe Cốc (xã Tức Tranh); Làng nghề chè xóm Trung Thành 1 (xã Vô Tranh); Hợp tác xã Nông sản Phú Lương (xã Ôn Lương)…

Vi Vân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/tao-canh-quan-xanh-sach-cho-vung-che-00e198b/