Tạo chủ động cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh

Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho rằng, các nội dung trong dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ giúp 'cởi trói' mạnh mẽ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp mà còn đem lại sự chủ động cho DNNN trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước phát triển, tránh “gỡ dây này, buộc dây khác”.

Xây dựng luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước phát triển, tránh “gỡ dây này, buộc dây khác”.

Phân công rõ, phân cấp mạnh

Nhằm đảm bảo thời gian và chất lượng hồ sơ dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến cho dự thảo Luật này.

Tại Tọa đàm góp ý cho dự thảo Luật, chiều 10/7, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, cần phân cấp mạnh hơn cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu, hội đồng thành viên (HĐTV), ban điều hành… để giảm bớt sự vụ phải trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với điểm này, chia sẻ với báo chí dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Phan Dũng cho hay, dự thảo Luật căn bản đã thể hiện rõ sự phân công rõ ràng, phân cấp mạnh về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sự phân công, phân cấp này thể hiện tư duy rất mới trong xây dựng luật.

“Phân công rõ ràng ở chỗ là Nhà nước quản lý thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước, phân cấp mạnh ở chỗ Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác. Cụ thể là Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn của F1, từ F2 trở đi thì F1 quản lý, F2 sẽ quản lý F3…”, TS. Phạm Phan Dũng làm rõ thêm.

Dưới góc độ DNNN, ông Tô Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông khẳng định, các nội dung trong dự thảo không chỉ giúp cởi trói mạnh mẽ, cải cách thủ tục hành chính mà còn tách bạch rõ chức năng quản lý chủ sở hữu đảm bảo các quyền của nhà đầu vốn, góp vốn vào doanh nghiệp; đảm bảo phân công, phân cấp mạnh… Theo ông Tô Mạnh Cường, đây cũng là mong muốn của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Nêu ý kiến tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Hiển - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho rằng, các DNNN có nhiều hoạt động giao thoa, nên trong luật cần thiết kế nguyên tắc để có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành với cơ quan quản lý vốn. Hơn nữa, trong xây dựng luật, ban soạn thảo cần tăng cường các quy định liên quan đến phân cấp gắn với trách nhiệm giám sát, để tránh câu chuyện “gỡ dây này nhưng buộc dây khác”, "quy định này đợi quy định kia".

Đảm bảo quản lý theo dòng vốn đầu tư

Một trong những vấn đề cũng nhận được nhiều sự quan tâm trong dự thảo Luật là đối tượng áp dụng. Theo đó, TS. Phạm Phan Dũng cho rằng, Luật hiện hành không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Từ đó, dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Do vậy, với lần sửa đổi luật này, Ban soạn thảo đã xác định đối tượng điều chỉnh bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” thay cho quy định về đối tượng “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ”.

Quang cảnh Tọa đàm chiều 10/7.

Quang cảnh Tọa đàm chiều 10/7.

Theo ông Phạm Phan Dũng, sự thay đổi này nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp.

Đáng chú ý, vị chuyên gia này chia sẻ thêm, từ trước đến nay việc phân phối lợi nhuận sau thuế được quy định tương đối chặt chẽ, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, trong dự thảo Luật lần này Ban soạn thảo đã đưa ra 3 phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp, tăng tỷ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, giúp doanh nghiệp có thể sử dụng lợi nhuận sau thuế để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Điểm mới này theo TS. Phạm Phan Dũng là rất thuận lợi, “hiện nay các doanh nghiệp tư nhân đã làm việc này từ rất lâu, do đó hướng sửa đổi lần này thực sự là hướng đi rất tích cực, từ đó đem lại sự chủ động cho doanh nghiệp.”

Khẳng định tầm quan trọng của dự thảo Luật tại Tọa đàm, ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho hay, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nên rất quan tâm từ khâu xây dựng luật vì là đối tượng thụ hưởng trực tiếp. Nhấn mạnh đây là một Luật khó trong công tác xây dựng, ông Thái cho rằng cần phải tạo sự thuận lợi và chắc chắn cho các quy định, giúp người thực hiện được đơn giản hơn, thuận lợi hơn.

Chủ tịch VNPT lấy ví dụ, VNPT đang trình đề án tái cơ cấu trong đó có việc sát nhập 2 doanh nghiệp dù 100% vốn của VNPT nhưng lại hạch toán độc lập. Tuy nhiên, do chưa có luật hướng dẫn cụ thể về dòng vốn của nhà nước và dòng vốn của doanh nghiệp nên vẫn chưa thể thông qua.

Gia Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tao-chu-dong-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc-dau-tu-mo-rong-quy-mo-san-xuat-kinh-doanh.html