Doanh nghiệp cần sự đồng hành trong chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững

Tại Diễn đàn 'Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững năm 2024', các doanh nghiệp tin rằng, cần có nhiều sự hỗ trợ trong chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững.

Ngày 27/7 tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững năm 2024”. Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến đáng chú ý nhìn nhận về xu hướng sản phẩm xanh - tiêu dùng xanh tại Việt Nam.

Nhiều bước tiến trong sản xuất, tiêu dùng bền vững

Theo ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: Sản xuất, tiêu dùng bền vững có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn ở phạm vi khu vực và trên toàn thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất, tiêu dùng bền vững, từ năm 2015, với vai trò là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã chủ động và thực hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, đặc biệt trong công tác xây dựng chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng đánh giá, hiện hệ thống chính sách, pháp luật về sản xuất, tiêu dùng bền vững đã và đang ngày càng được hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và đang triển khai các luật có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp hiện cũng tích cực chuyển mình để bắt nhịp với các xu thế bền vững. Cụ thể, theo ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết: Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi tích cực, tham khảo cũng như tự nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất xanh, đầu tư nhiều các dây chuyền sản xuất bền vững sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đáp ứng các tiêu chuẩn khó tính từ các thị trường châu Âu. Đồng thời, tăng cường sản xuất xanh tạo ra các sản phẩm thân thiện, ít tác động đến môi trường và giá trị sử dụng cao hơn.

Bản thân các doanh nghiệp đã tạo ra chuỗi cung ứng xanh của mình thông qua làm việc chặt chẽ với các đối tác cung cấp nguyên vật liệu để đáp ứng tiêu chuẩn. Song song với đó, các doanh nghiệp cũng tích hợp công nghệ số trong chuyển đổi xanh để theo dõi, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, để tránh lãng phí tài chính và nguồn lực con người trong quá trình này.

Các diễn giả bàn về câu chuyện chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững tại Việt Nam

Các diễn giả bàn về câu chuyện chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững tại Việt Nam

“Đơn cử, một số doanh nghiệp trồng cà phê thì phần hạt sản xuất đem đi xuất khẩu. Còn phần vỏ thì thu hoạch lại, sấy khô để chế biến phân hữu cơ vi sinh cung cấp lại cho các vùng trồng”, ông Quốc Anh đưa ra dẫn chứng về mô hình chuyển đổi bền vững áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, tại diễn đàn các đại biểu đều ghi nhận sự chuyển biến từ các doanh nghiệp lưu thông, phân phối, đặc biệt là các chuỗi siêu thị, các đại siêu thị đã từng bước xanh hóa quy trình phân phối, giảm thiểu bao bì trung gian, giảm thiểu chất thải; sớm sử dụng, phân phối sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường.

Sự tích cực tuyên truyền chính sách từ phía chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đã giúp người tiêu dùng hiểu biết ngày càng rõ hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh, thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Đồng thời, nhận thức của người dân đã được nâng cao và thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; các hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngày càng phổ biến.

Các doanh nghiệp cần gì?

Ông Tạ Đình Thi nêu ra một thực tế rằng, đa số doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò của sản xuất bền vững đối với sự tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển lâu bền của chính mình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tìm kiếm, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất xanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường; thực hiện tái chế, kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; nâng cao nhận thức cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Một số tổ chức tín dụng đã chủ động thiết kế các gói ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất bền vững, thực hiện chính sách về tín dụng xanh nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp, ít thu hút được sự quan tâm và hấp dẫn các doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, đây là ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn xanh, bền vững từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện về vốn để triển khai bằng mọi giá. Hiện Việt Nam vẫn chưa tự chủ nguyên phụ liệu (trên 70% nguyên phụ liệu phải nhập về), trong khi nguyên phụ liệu cần phải được tra soát nguồn gốc thật kỹ, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến những lô hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp không thể "một mình" trong quá trình chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững

Doanh nghiệp không thể "một mình" trong quá trình chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững

Ông Cẩm cho rằng cần một sự đồng bộ về chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các địa phương, khu công nghiệp và doanh nghiệp thì mới triển khai tốt chuyển đổi xanh.

Lãnh đạo VITAS cũng nhìn nhận thêm, cần truyền thông tích cực hơn nữa tới người dân, để người tiêu dùng hiểu và nhận biết rõ sản phẩm xanh và hiểu được quy trình sản xuất và nguồn lực của doanh nghiệp bỏ ra không ít, cho nên giá thành hiện vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung.

Diễn đàn với chủ đề “Tiêu dùng bền vững: Cơ hội - Thách thức để doanh nghiệp phát triển” nằm trong khuôn khổ Chương trình “Thúc đẩy sản xuất - Tiêu dùng bền vững 2024”.

Chương trình diễn ra các hoạt động bên lề như triển lãm với 30 gian hàng, quy tụ gần 20 doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước. Dự kiến, sự kiện thu hút khoảng 30.000 - 50.000 lượt người tham quan.

Bên cạnh đó, là Talkshow “Công nghệ xanh cho sản xuất - Tiêu dùng bền vững” chia sẻ về những ứng dụng và lợi ích của công nghệ xanh trong sản xuất bền vững và những tác động của thương mại điện tử trong tiêu dùng xanh, bền vững. Talkshow “Tiêu dùng xanh - Chung tay giảm rác thải nhựa”, “Xanh hóa hệ thống phân phối”, “Hành động” để thay đổi thói quen tiêu dùng” tập trung chia sẻ, hướng dẫn sản xuất và phân phối các sản phẩm tiêu dùng thân thiện môi trường, nguyên vật liệu từ thiên nhiên trong hoạt động của các hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại.

Bài & ảnh: Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-can-su-dong-hanh-trong-chuyen-doi-xanh-san-xuat-ben-vung-153974.html