Tạo chuyển biến căn bản trong quản lý, khai thác tài nguyên đất đai
Luật Đất đai có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt tác động phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao, chuyên sâu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013, chiều ngày 19/8,
Mới đây, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 17 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, theo đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, song song với quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Chính phủ đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo để tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
Tới nay, cơ bản các bộ, ngành và địa phương đều tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật và hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai, đồng thời, hoàn thiện các chính sách cụ thể của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên cơ sở Nghị quyết 19 của Trung ương, 9 định hướng sửa đổi Luật Đất đai 2013 gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai; quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, để tiến hành sửa đổi Luật Đất đai 2013, cần phải thể chế hóa cụ thể hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong văn kiện Đại hội 13 của Đảng, ý kiến sắp tới của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân các ngành, các cấp một cách thận trọng kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch đầu tư, các bộ ngành chức năng cần tham mưu cho Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, có liên quan đến chồng chéo trong pháp luật về đất đai và xác định cả những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong tổ chức, thực thi để có phương án xử lý phù hợp.
Đặc biệt, phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai chuyển sang nền hành chính phục vụ hiện đại, lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm về thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất.
Đồng thời, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch và lành mạnh, giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực về đất đai, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp đối tượng dễ bị tổn thương, đảm bảo đời sống việc làm cho người có thu hồi đất.
Quá trình soạn thảo vừa phải khắc phục tình trạng luật ống, luật khung, vừa khắc phục tình trạng chưa đủ rõ đã chốt cứng trong luật dẫn tới tuổi thọ luật ngắn. “Đây là cơ hội rất lớn để sửa đổi luật, nhất là bộ luật quan trọng như Luật đất đai, nên phải tạo ra những chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đặc biệt quan trọng này” - Chủ tịch Quốc hội nói.