Tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực hiện Đề án vị trí việc làm và đánh giá kết quả công tác
Trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã quan tâm lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ ngày càng chặt chẽ, thực chất và hiệu quả hơn. Thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, đảm bảo đúng các quy định, quy trình, đúng người trong công tác cán bộ. Việc quản lý biên chế và thực hiện tinh giản biên chế được tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc...
GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC, THÁO GỠ KỊP THỜI, TRƯỚC MẮT NHỮNG “ĐIỂM NGHẼN” LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC CÁN BỘ
Quán triệt sâu sắc và nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, hoàn thiện đề án vị trí việc làm và thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm”.
Theo đó, Chương trình số 50- CTr/TU ngày 9/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, cơ cấu hợp lý”; Đề án số 06-ĐA/TU ngày 1/5/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ, ngang tầm nhiệm vụ chỉ rõ: “Cả hệ thống chính trị thống nhất nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế, bảo đảm hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức hợp lý để xác định biên chế phù hợp… Khẩn trương triển khai xây dựng vị trí việc làm và khung năng lực vị trí việc làm của cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh để thực hiện quản lý biên chế, tinh giản biên chế, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm”.
Trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã quan tâm lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ ngày càng chặt chẽ, thực chất và hiệu quả hơn. Thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, đảm bảo đúng các quy định, quy trình, đúng người trong công tác cán bộ. Việc quản lý biên chế và thực hiện tinh giản biên chế được tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Tỷ lệ giảm biên chế đạt kế hoạch Trung ương giao.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tinh giản biên chế chưa gắn chặt với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ hàng năm tại nhiều cơ quan, đơn vị chưa đúng thực chất với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể của cá nhân và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa ngang tầm nhiệm vụ… Đây là “điểm nghẽn” thách thức lớn nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và các đột phá chiến lược trong giai đoạn phát triển mới.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược là “tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài”. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Đề án thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tập trung vào hệ thống giải pháp đồng bộ, bảo đảm liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ, chú trọng giải pháp (đầu vào), thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, qua đó đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển dụng cán bộ.
Đặc biệt, ngày 5/1/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về “Quy định tạm thời về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang” (Đề án 09). Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Đề án 09 của Tỉnh ủy được xác định là rất cấp thiết, nhằm khắc phục, tháo gỡ kịp thời, trước mắt những “điểm nghẽn” vốn được coi là khó và phức tạp.
Theo đó, thông qua việc xây dựng và xácc định quy định trước mắt về vị trí việc làm là cơ sở quan trọng, căn cứ khoa học để thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác đánh giá cán bộ qua sản phẩm công việc, số lượng, chất lượng công việc; là căn cứ để xác định biên chế, chỉ tiêu thi nâng ngạch, thăng hạng, tuyển dụng, bố trí sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế hàng năm. Qua đó, nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm tự đào tạo, hoàn thiện cá nhân trong thực thi công việc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, cơ quan, đơn vị…
Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Đề án 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang được xác định là rất cấp thiết, nhằm khắc phục, tháo gỡ kịp thời, trước mắt những “điểm nghẽn” vốn được coi là khó và phức tạp.
TẠO CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ, THỰC CHẤT TRONG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng thực hiện Đề án số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tổ chức ngày 12/4, với hơn 1.400 cán bộ, công chức, viên chức tham dự tại các điểm cầu, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh và đề nghị hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh cần tiếp tục tập trung, thực hiện nghiêm việc triển khai thực hiện Đề án 09, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực hiện Đề án vị trí việc làm nói riêng, trong công tác cán bộ của tỉnh nói chung.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành đề nghị, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 09, cần bám sát và thấu triệt những nội dung đã được nêu rõ trong Đề án, đặc biệt là xác định rõ đối tượng, phạm vi và mục tiêu thực hiện của Đề án này. Đó là:
Thứ nhất, Đề án 09 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong chỉ tiêu biên chế và hợp đồng lao động được cấp có thẩm quyền giao (gọi chung là cán bộ) thuộc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Thứ hai, phạm vi xác định vị trí việc làm, biên chế, khung năng lực, cơ cấu ngạch cán bộ, công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện thuộc tỉnh Hậu Giang.
Thứ ba, danh mục vị trí việc làm, biên chế và khung năng lực, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo Đề án 09 làm căn cứ để tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng, bố trí và sử dụng cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiêu chuẩn về ngạch để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý áp dụng quy định của cấp có thẩm quyền.
Thứ tư, mục tiêu của Đề án 09 là: 1) Xác định rõ trong một cơ quan, tổ chức có bao nhiêu vị trí công tác và ứng với mỗi vị trí thì cần bao nhiêu biên chế làm việc để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đó. 2) Xác định khung năng lực của cán bộ ở mỗi cấp độ từ đơn giản đến phức tạp. Định hướng đào tạo, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tế. 3) Xác định biên chế cần thiết, hợp lý cho mỗi cơ quan, đơn vị; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 4) Tinh giản biên chế dôi dư do năng suất, hiệu quả công việc kém; không đủ tiêu chuẩn và không sắp xếp được việc làm.
Qua 3 tháng triển khai thực hiện, theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, công tác quán triệt và tuyên truyền Đề án số 09 được tổ chức sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các cơ quan liên quan, nhất là Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. 100% cán bộ các cơ quan, đơn vị đã thực hiện chấm thống kê công việc hàng ngày. Kết quả thống kê công việc chuyển biến tích cực qua các tháng đầu năm, thể hiện qua số giờ làm việc và điểm số đã dần đi vào thực chất hơn. Thông qua việc thống kê nhật ký công việc cá nhân hàng ngày đã nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ…
Nhìn chung, việc thực hiện Đề án vị trí việc làm và thống kê nhật ký công việc cá nhân hàng ngày đạt được một số kết quả tích cực, bước đầu đã nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ. Từ đó, năng suất, chất lượng hiệu quả làm việc của cán bộ có chuyển biến tích cực. Đáng ghi nhận, giờ giấc làm việc hàng ngày của cán bộ có chuyển biến tích cực, tình trạng đi trễ, về sớm, làm việc riêng trong giờ làm việc bước đầu đã giảm rõ rệt; có trường hợp cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ đã chủ động đề xuất lãnh đạo giao nhiệm vụ cho mình.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phát sinh không ít hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tập thể lãnh đạo, trước hết là người đứng đầu ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tinh giản biên chế, vị trí việc làm chưa sâu sắc, toàn diện nên thiếu quyết liệt, quyết tâm, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc đề án.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ về việc thống kê nhật ký công việc chưa đầy đủ, thống kê chưa trung thực thời gian làm việc, có trường hợp thời gian làm việc thì nhiều nhưng không có sản phẩm công việc, hoặc chỉ liệt kê những công việc chưa rõ sản phẩm. Một số cán bộ ý thức chưa cao trong việc ghi nhật ký, cố gắng ghi cho đủ số giờ chuẩn theo quy định.
Mặt khác, một số cán bộ thống kê công việc phát sinh từ thực tiễn còn gặp lúng túng, chưa có căn cứ để lãnh đạo giao nhiệm vụ đánh giá mức độ hoàn thành sản phẩm công việc; có những công việc giao nhưng phải trải qua nhiều ngày mới hoàn thành sản phẩm, nên quá trình đánh giá chưa sát với thực tế. Việc tổng hợp công việc hàng tháng còn gặp khó khăn.
Nguyên nhân dẫn đếnhạn chế, khó khăn, vướng mắc kể trên là do việc triển khai thực hiện vị trí việc làm, thống kê nhật ký công việc hàng ngày là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng để thực hiện từng bước đáp ứng theo yêu cầu đề ra. Một số trường hợp cán bộ làm việc thiếu hiệu quả, không có sản phẩm công việc, có biểu hiện ngán ngại đối với việc thống kê nhật ký công việc. Chưa có phần mềm chuyên dụng thống nhất để phục vụ cho việc thống kê, tổng hợp công việc, ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng tổng hợp, báo cáo…
Trên cơ sở những vấn đề và và ý kiến được trao đổi và nêu ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng thực hiện Đề án số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành yêu cầu thời gian tới, hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh tiếp tục cần triển tổ chức triển khai nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực hiện Đề án vị trí việc làm và đánh giá kết quả công việc tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cùng với đó, nghiêm túc thực hiện việc thống kê công việc hàng ngày; nâng cao ý thức tự giác, nghiêm túc, trách nhiệm, trung thực của cán bộ trong thống kê công việc. Đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo sớm hoàn thiện bảng mô tả vị trí việc làm cơ quan khối nhà nước trước ngày 30/6/2024…
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện đúng những nguyên tắc sau:
Một là, tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước về vị trí việc làm, quản lý, sử dụng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị.
Hai là, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức với sử dụng và quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn.
Ba là, gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị. Không lấy số lượng cán bộ hiện có để xây dựng danh mục vị trí việc làm mà phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được Trung ương quy định và tình hình thực tế công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bốn là, thống kê số giờ làm việc trong năm của một cán bộ có thể bằng, ít hơn hoặc nhiều hơn số giờ chuẩn theo quy định của Bộ Luật Lao động, nhưng tổng số giờ của tất cả cán bộ trong cơ quan không được vượt quá tổng số giờ chuẩn của từng cán bộ nhân với tổng số cán bộ trong cơ quan, đơn vị đó.
Năm là, tổng số cán bộ theo vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị, địa phương không được cao hơn số lượng biên chế của cơ quan, đơn vị, địa phương đó theo lộ trình tinh giản biên chế đến hết năm 2026 (công chức giảm 5%, viên chức giảm 10%). /.
Theo báo cáo, việc thống kê nhật ký công việc cá nhân theo vị trí việc làm được triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2024. Thời gian làm việc bình quân của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là cán bộ) tháng 1 là 157,98 giờ/người/tháng, tính bình quân 7,18 giờ/người/ngày; tháng 2 là 116,08 giờ/người/tháng, tính bình quân 7,26 giờ/người/ngày; tháng 3 là 130,71 giờ/người/tháng, tính bình quân 6,23 giờ/người/ngày.