Tạo chuyển biến sâu rộng, mạnh mẽ, hiệu quả về chuyển đổi số
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kết luận số 409-KL/TU tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh trên cơ sở Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị mình để triển khai thực hiện, nhằm tạo ra sự chuyển biến sâu rộng, mạnh mẽ, thiết thực về chuyển đổi số trong đời sống xã hội.
Bên cạnh việc xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số trong thời gian tới. Trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm tập trung triển khai thực hiện là:
Về phát triển chính quyền số: Triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung; thực hiện đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Về phát triển kinh tế số: ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển KTXH của tỉnh. Triển khai hệ thống phần mềm quản lý kế hoạch phát triển KTXH, quản lý các dự án đầu tư, các hộ kinh doanh. Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Ứng dụng công nghệ số phát triển du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu địa chính…
Về phát triển xã hội số: đẩy mạnh thanh toán điện tử; phát triển nền tảng dạy và học từ xa, nền tảng khám chữa bệnh từ xa, xây dựng nền tảng y tế thông minh; ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số…
Phát động phong trào thi đua chuyển đổi số trong toàn tỉnh, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Đảm bảo cho mọi đối tượng được khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận với các ứng dụng, tiện ích, công nghệ mới trên môi trường số, giúp người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích do chuyển đổi số mang lại.