Tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục chính trị trong toàn quân
Sáng 21/7, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị số 124-CT/QUTW ngày 31/3/2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới và 10 năm thực hiện Đề án 'Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới'.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại biểu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
12 năm qua, Đảng bộ Quân đội và toàn quân đã quán triệt, nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị; góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tích cực, chủ động bám sát kế hoạch, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 124 và Đề án chặt chẽ, nghiêm túc, có đột phá, trực tiếp góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình, nội dung giáo dục có sự đổi mới toàn diện, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, hình thức thể hiện phong phú, sát với các đối tượng ở đơn vị. Điểm mới so với trước khi thực hiện Chỉ thị và Đề án là đã xây dựng được các chương trình mới, như chương trình đối với lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ; lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; đơn vị đóng quân trên biển, đảo. Việc biên soạn tài liệu giáo dục chính trị được đẩy mạnh ở tất cả các cấp trong toàn quân, với hàng nghìn loại tài liệu mới được biên soạn như các tài liệu cẩm nang, bổ trợ; tài liệu dành riêng cho các đối tượng và lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù...
Đồng thời, việc đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị được các đơn vị vận dụng linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; kết hợp phương pháp giáo dục truyền thống với hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương tiện trình chiếu để hỗ trợ nâng cao chất lượng bài giảng. Qua đó, phát huy 6 hình thức giáo dục chính trị cơ bản, gồm: Học tập chính trị; nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan; sinh hoạt chính trị, tư tưởng; thông báo chính trị - thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình; ngày chính trị và văn hóa tinh thần ở cơ sở; học tập chính trị qua mạng máy tính nội bộ.
Các cơ quan, đơn vị coi trọng kết hợp giáo dục theo chương trình cơ bản với giáo dục thường xuyên, giáo dục thông qua hoạt động thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, qua tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động, hoạt động văn hóa, văn nghệ và các thiết chế văn hóa ở cơ sở...; kết hợp giáo dục chính trị với làm tốt công tác nắm, quản lý, định hướng và giải quyết tư tưởng.
Trên cơ sở liên hệ với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đã làm rõ thêm nhiều nội dung; tập trung đánh giá những ưu điểm, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 124 và Đề án; chỉ rõ nguyên nhân hạn chế, gắn với trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất một số nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị số 124 và Đề án trong những năm tiếp theo.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong 12 năm thực hiện Chỉ thị số 124 và 10 năm thực hiện Đề án, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục xác định rõ chủ trương, biện pháp lãnh đạo, kế hoạch triển khai công tác giáo dục chính trị với các nội dung cụ thể, sát đối tượng, sát tình hình, nhiệm vụ thực tiễn; nhất là phải nhanh nhạy trong nắm bắt, cập nhật những nội dung mới, qua đó tạo bước chuyển biến về chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị trong toàn quân.
Cùng với việc phát huy vai trò, trách nhiệm và đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, Trung tướng Trịnh Văn Quyết yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, điều chỉnh xây dựng chương trình nội dung giáo dục chính trị phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tích cực đổi mới các hình thức giáo dục chủ yếu; tăng chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục thường xuyên; hướng mạnh vào việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục chính trị; chủ động dự báo, kịp thời định hướng tư tưởng của bộ đội.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức tốt việc bồi dưỡng chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giáo dục chính trị; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường với bồi dưỡng thường xuyên tại đơn vị; phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa tại đơn vị phục vụ cho công tác giáo dục chính trị; quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích kinh phí, cơ sở vật chất, bảo đảm theo lộ trình của Đề án.
Nhân dịp này, lãnh đạo Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) đã thông báo kết quả Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị trong Quân đội và dân quân tự vệ cấp toàn quân năm 2023; công bố quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 12 năm thực hiện Chỉ thị số 124 và 10 năm thực hiện Đề án.