Tạo cơ chế để 'giữ chân' dân quân
Trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng DQTV. Nổi bật trong đó là việc tham mưu về cơ chế, chính sách cho lực lượng DQTV.
Nhờ vậy, những năm qua, lực lượng DQTV ở tỉnh Quảng Bình luôn được xây dựng đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, thực sự làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng (QS-QP) tại địa phương, giữ gìn an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) và là điểm tựa trong việc giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN)...
Về xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, chúng tôi có dịp đến thăm xưởng thiết kế, sản xuất, lắp đặt, thi công nội thất nhựa của anh Trần Ngọc Văn, Tiểu đội trưởng dân quân cơ động của xã. Trong khuôn viên xưởng, mỗi người một công đoạn, các công nhân đang say sưa làm việc. Điều tôi đặc biệt ấn tượng là phần lớn công nhân ở đây là các chiến sĩ dân quân thuộc Trung đội dân quân cơ động của xã Lộc Thủy. Qua tìm hiểu được biết, xưởng của anh Trần Ngọc Văn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 11 chiến sĩ dân quân với thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đến 7,5 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với anh Lê Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, anh cho biết: “Trong điều kiện khó khăn về việc làm và thu nhập ở địa phương như hiện nay, mô hình kinh tế hộ của anh Văn đã trở thành “cứu cánh” cho anh em dân quân. Có việc làm và thu nhập ổn định sẽ là giải pháp để “giữ chân” anh em dân quân tại địa phương, khắc phục tình trạng phải bỏ quê đi làm ăn xa. Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho việc huy động dân quân sẵn sàng tham gia xử lý các vấn đề nảy sinh khi cần...”.
Còn tại thành phố Đồng Hới những năm trước đây cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút, “giữ chân” dân quân và nguyên nhân vẫn là vấn đề việc làm và thu nhập; việc tự tìm việc làm của anh em dân quân gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi vậy, sau mùa huấn luyện, anh em thường tự đi tìm việc làm ở các địa phương lân cận hoặc đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động. Đi tìm lời giải cho bài toán “giữ chân” dân quân, Ban CHQS thành phố và Ban CHQS các xã, phường đã chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện về cơ chế chính sách, các khoản ưu đãi để anh em vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định ngay tại địa phương.
Đến thăm cơ sở làm mộc-nhôm kính của anh Nguyễn Tiến Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới, chúng tôi ấn tượng không chỉ bởi quy mô, thương hiệu của cơ sở mà còn vì cơ sở của anh Dũng đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 7 dân quân, thu nhập bình quân từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng. Thượng tá Nguyễn Xuân Khoa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Đồng Hới cho biết: “Với chính sách quan tâm, tạo điều kiện thỏa đáng, nhất là tạo việc làm và thu nhập đã góp phần thu hút dân quân ở địa phương, để khi có yêu cầu, nhiệm vụ cần huy động là anh em sẵn sàng có mặt thực hiện nhiệm vụ...”.
Bám sát phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, những năm qua, không riêng Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới, mà việc bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng DQTV đã được cấp ủy, chính quyền các huyện, thị, thành trong toàn tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm. Khi “hành lang” cơ chế, chính sách được quan tâm thỏa đáng, lực lượng DQTV được tiếp cận với nguồn vốn, mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, trang trại, gia trại, VACR, mở mang dịch vụ kinh doanh... Đặc biệt, các mô hình này không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn thu hút một lượng lớn dân quân có việc làm và thu nhập ổn định ngay tại địa phương. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ DQTV toàn tỉnh Quảng Bình đạt 2,1% so với dân số; tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt gần 33%...
Đại tá Lê Văn Vỹ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Quảng Bình, cho biết: “Nhờ tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cả về cơ chế chính sách và các khoản ưu đãi để anh em có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định ngay tại địa phương. Nhờ đó, khi có tình huống xảy ra, lực lượng dân quân sẵn sàng được huy động để xử lý các vấn đề nảy sinh. Họ trở thành nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QS-QP địa phương, giữ vững ANCT, TTATXH, tham gia PCLB-TKCN, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn...”.
Bài, ảnh: LÊ XUÂN LIỆU