Tạo cơ chế đột phá cho doanh nghiệp nhà nước

Góp ý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp mong muốn dự thảo Luật sẽ tháo gỡ được các vướng mắc, chồng chéo với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…; tham khảo, áp dụng các thông lệ tiên tiến về quản trị doanh nghiệp; tạo cơ chế đột phá cho doanh nghiệp phát triển.

Nhà nước không quản lý pháp nhân doanh nghiệp

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp - thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) - sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp tháng 10.2024, xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 9.2025 và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2026.

Tại tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính phối hợp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đánh giá cao các nguyên tắc, nội dung tại dự thảo Luật đã thể hiện tính đổi mới, cởi trói, trao nhiều quyền hơn cho các doanh nghiệp.

Theo đó, Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp mà chỉ là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp (quản lý dòng vốn đầu tư), không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp; doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tách bạch, phân định với chức năng của chủ sở hữu vốn.

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới. Ảnh: Hoàng Hà

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới. Ảnh: Hoàng Hà

Bên cạnh đó, để tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước, phân công rõ, phân cấp mạnh trong đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo Luật quy định: Nhà nước, Chính phủ chỉ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

TS. Phạm Phan Dũng, Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, cho biết, Luật số 69 hiện quy định Nhà nước quản lý theo pháp nhân doanh nghiệp, không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Từ đó, dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Để khắc phục vấn đề này, dự thảo Luật xác định đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” thay cho quy định về đối tượng “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ”. Sự thay đổi này nhằm bảo đảm nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, không mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay.

Ngoài ra, theo ông Dũng, dự thảo Luật đã thể hiện sự phân công rõ ràng, phân cấp mạnh khi Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn của doanh nghiệp F1, từ doanh nghiệp F2 trở đi thì F1 quản lý, F2 sẽ quản lý F3…

Tăngtỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển

Theo ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, quan điểm Nhà nước quản lý dòng vốn, không quản lý doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp có nhiều hoạt động giao thoa giữa các nhiệm vụ, mục tiêu khác nhau. Do đó, dự thảo Luật nên thiết kế nguyên tắc để có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý vốn và cơ quan quản lý chuyên ngành. Đồng thời, dự thảo Luật lần này cần tháo gỡ được các vướng mắc, chồng chéo với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và các nghị định, thông tư hiện hành; tham khảo, áp dụng các thông lệ tiên tiến về quản trị doanh nghiệp để tạo cơ chế đột phá cho doanh nghiệp nhà nước phát triển.

Liên quan đến tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế, nhiều ý kiến cho rằng, tăng tỷ lệ trích lập Quỹ sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất.

Hiện tại có 3 phương án về tỷ lệ trích lập Quỹ: tối đa 50%, tối đa 80% và 100% lợi nhuận sau thuế (Luật số 69 quy định mức tối đa 30%). Trên cơ sở các đánh giá, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ phương án trích tối đa 80%. Quỹ dùng để xử lý tài chính đối với các dự án kinh doanh thua lỗ do điều kiện khách quan; chi trả tiền lương, tiền công cho các đối tượng do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê; thuê kiểm toán báo cáo tài chính; đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp; nộp về ngân sách nhà nước, điều chuyển giữa các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.

Theo ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), trích lập Quỹ ở mức tối đa 80% sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho một loạt đơn vị có nhu cầu vay vốn lớn. Với mức 30% như hiện hành thì phải tích lũy rất lâu để đủ vốn đối ứng, gây khó khăn trong vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, việc sử dụng Quỹ cần linh hoạt, căn cứ vào kế hoạch và chiến lược hoạt động của từng doanh nghiệp.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tao-co-che-dot-pha-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc-i380464/