Tạo cơ chế thúc đẩy Giáo dục

Nghệ An - địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mô hình đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, từ năm học 2021 - 2022.

Giờ đọc sách có hướng dẫn của cô trò Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An.

Giờ đọc sách có hướng dẫn của cô trò Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An.

Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, mô hình có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đảm bảo chất lượng giáo dục

- Sau một năm triển khai mô hình đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, ông có thể cho biết những chuyển biến ban đầu?

- Từ năm 2021, Sở GD&ĐT Nghệ An bắt đầu thí điểm mô hình đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Đến nay, mặc dù chưa thể đánh giá và có nhiều con số cụ thể, nhưng chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến rõ nét. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vững và phát huy.

Về đại trà, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh Nghệ An lần đầu tiên trong lịch sử xếp vị thứ 20 của cả nước, tăng 14 bậc so với năm 2021. Năm nay, kết quả thi tốt nghiệp tiếp tục giữ ổn định, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành. Trong đó, một số môn tiến bộ rõ rệt. Riêng ngoại ngữ được xem là “vùng trũng” của giáo dục Nghệ An, nhưng trong năm qua chất lượng ngày càng tăng theo lộ trình, bài bản, khoa học và thuyết phục.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, toàn tỉnh có hơn 1.000 em được miễn thi môn Ngoại ngữ. Điểm trung bình thi tốt nghiệp môn học này năm 2022 đạt 4,56 thì năm 2023 tăng lên 5,01 điểm. Số điểm 10 cũng tăng từ 10 lên 36 em. Chất lượng giáo dục ở các vùng miền nâng lên, nhiều học sinh điểm cao, thủ khoa, á khoa ở khối, tổ hợp đến từ trường huyện và là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Giáo dục kỹ năng, ngoại ngữ, tin học cho học sinh được đẩy mạnh.

Qua quá trình kiểm tra, chỉ đạo của sở GD&ĐT, bước đầu nhận thấy cơ sở giáo dục phổ thông đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Đặc biệt là đổi mới quản trị nhà trường của các hiệu trưởng, phấn đấu xây dựng văn hóa chất lượng, lấy người học làm trung tâm.

- Theo ông, mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông khác với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hiện có ra sao?

- Thực trạng phổ biến ở trường phổ thông hiện nay là triển khai chương trình giáo dục với chuẩn kiến thức, kỹ năng mà Bộ GD&ĐT ban hành. Đồng thời thực hiện các tiêu chí với mục đích đạt chuẩn quốc gia. Các cơ quan, bộ phận kiểm định chất lượng của phòng và sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra, đánh giá. Vì vậy, kiểm định chỉ là một phần của đảm bảo chất lượng và dừng lại ở đánh giá ngoài. Để nâng cao chất lượng thực của giáo dục phổ thông phải thực hiện tốt công tác đảm bảo chất lượng bên trong.

Mô hình đảm bảo chất lượng trong giáo dục có thể hiểu là hình thức quản lý chất lượng thực hiện trước và trong quá trình giáo dục. Qua đó, chuẩn bị nền tảng kiến thức vững chắc, toàn diện; trang bị giá trị sống, kỹ năng mềm và kỹ năng toàn cầu cho học sinh, có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo cơ sở để phát triển nền giáo dục phát triển nhanh, có sức đột phá nhưng bền vững, đảm bảo tính logic khoa học. Thực hiện đảm bảo chất lượng cũng nhằm hướng đến mục tiêu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cũng như các Nghị quyết về ĐBCL giáo dục phổ thông tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An.

Tạo động lực cho nhà trường, giáo viên

- Mô hình đảm bảo chất lượng được xem như giải pháp đột phá, khoa học thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Vậy những yếu tố cốt lõi của mô hình là gì khi triển khai trong thực tế?

- Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển năng lực và phẩm chất người học cần quản lý chất lượng giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục, đồng bộ biện pháp quản lý ở mỗi nhà trường. Bao gồm đảm bảo các yếu tố: Bối cảnh, đầu vào, quá trình dạy và học, đầu ra.

Đặc biệt xác định chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Mỗi nhà trường có thể xây dựng chuẩn đầu ra và cam kết khác nhau, phụ thuộc vào thực tế quy mô, đặc điểm học sinh, năng lực giáo dục và đào tạo... Trong quá trình triển khai, qua kiểm tra, đánh giá kết quả hằng năm, nhà trường có thể điều chỉnh kế hoạch để đạt được chuẩn đầu ra hoặc nâng chuẩn.

Việc cam kết thực hiện chuẩn đầu ra sẽ tạo áp lực nhất định, nhưng cũng là động lực cho mỗi giáo viên, hiệu trưởng, nhà trường nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất. Tạo sự đối sánh chất lượng giáo dục giữa các đơn vị, địa phương với nhau. Từ đó, tranh thủ huy động nguồn lực, xã hội hóa để phát triển giáo dục, đồng thời có sự theo dõi giám sát chặt chẽ của phụ huynh, xã hội, chính quyền địa phương; hỗ trợ, kiểm tra, chỉ đạo sâu sát của cơ quan quản lý Nhà nước thì nền giáo dục sẽ đi lên theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế.

- Cam kết chất lượng đầu ra sẽ đảm bảo trên cơ sở nào và có tạo áp lực cho đội ngũ giáo viên hiện có không, thưa ông?

- Cam kết chất lượng đầu ra được thực hiện giữa phụ huynh với giáo viên; giáo viên chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng; hiệu trưởng với trưởng phòng GD&ĐT (đối với các trường trực thuộc phòng GD&ĐT); hiệu trưởng với giám đốc sở GD&ĐT (đối với cấp THPT); trưởng phòng GD&ĐT với giám đốc sở GD&ĐT. Điều này một mặt có áp lực nhất định đối với giáo viên trước hiệu trưởng, học sinh, phụ huynh và so sánh giữa các khóa học với nhau. Nhưng đồng thời tạo động lực để giáo viên năng động, sáng tạo, có kế hoạch và phương pháp dạy học phù hợp nhằm phát huy năng lực toàn diện của người học.

Có thể ví dụ từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong top 10 trường đạt kết quả cao nhất tỉnh Nghệ An có 2 trường phổ thông dân tộc nội trú THPT. Riêng Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 xếp thứ 2 toàn tỉnh chỉ sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Trong khi điểm đầu vào của trường thấp, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế nhiều về nhận thức, năng lực, kỹ năng…

Tuy nhiên, nhà trường đã thực hiện giao đến từng giáo viên chủ động trong dạy học; đăng ký và cam kết, chịu trách nhiệm với nhà trường về chất lượng môn học, năm học. Từ đó, giáo viên phải sát sao từng bước, tâm huyết, nỗ lực với từng học sinh để tạo nên hiệu quả chung.

Giờ học STEM tại Trường Tiểu học Nhân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Giờ học STEM tại Trường Tiểu học Nhân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Cơ chế thúc đẩy giáo dục

- Là địa phương đầu tiên thực hiện dù chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của mô hình và làm sao để triển khai hiệu quả như mục tiêu đề ra?

- Mô hình đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, mô hình hiệu quả về lợi ích kinh tế cho các tỉnh, thành vì tạo tiền đề lớn để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trong giáo dục ở thành phố, đô thị lớn, những nơi có dân số cơ học tăng nhanh.

Tại Nghệ An, sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện công tác ĐBCL trong cơ sở giáo dục GDPT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục phổ thông có hệ thống ĐBCL giáo dục bên trong đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Đến năm 2030, có 20% số trường phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; 500 lớp học phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; dự kiến xây dựng 5 trường phổ thông quốc tế; 5% số trường phổ thông công lập tự chủ chi thường xuyên ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi. Đảm bảo đủ số lượng giáo viên ở các cấp học, có cơ cấu hợp lý.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Giáo dục Nghệ An mong Bộ GD&ĐT tham mưu, kiến nghị các cấp ngành Trung ương có chủ trương, cơ chế, chính sách để thúc đẩy, tạo động lực phát triển giáo dục, đào tạo. Cùng đó, quan tâm đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu; ưu tiên nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện cho cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả Nghị quyết và thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Xây dựng và triển khai mô hình đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục phổ thông sẽ tạo bước đột phá trong đổi mới quản trị nhà trường; xây dựng được phong trào thi đua sôi nổi và cạnh tranh lành mạnh trong công tác tuyển sinh; xây dựng uy tín và thương hiệu các cơ sở giáo dục. Từ đó hướng đến xây dựng văn hóa chất lượng trong ngành Giáo dục: Học thật, thi thật, sản phẩm thật.

Hồ Lài (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-co-che-thuc-day-giao-duc-post647421.html