Tạo cơ hội cho người khuyết tật chữ in tiếp cận thông tin tri thức
Ngày 15/9, tại Đà Nẵng, Hội Người mù Việt Nam phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo, tập huấn về Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lý liên quan của Việt Nam.
Theo ước tính của Hiệp hội người mù thế giới, chưa đến 10% sách được sản xuất dưới định dạng dễ tiếp cận như là chữ nổi (Braille), âm thanh, sách điện tử… Ở các nước đang phát triển thì tỷ lệ này dưới 1%.
Định dạng thiếu thốn về các tài liệu dễ tiếp cận đã ngăn cản hàng chục triệu người không có khả năng đọc chữ in trong việc phát huy tối đa tiềm năng con người và hạn chế cơ hội giáo dục việc làm, chăm sóc sức khỏe cũng như là hầu hết mọi khía cạnh trong đời sống xã hội.
Tháng 6/2013, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã thông qua Hiệp ước Marrakesh với việc quy định những ngoại lệ về bản quyền, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra và chia sẻ các tài liệu dưới định dạng dễ tiếp cận cho những người khuyết tật chữ in trong mỗi quốc gia cũng như là xuyên biên giới. Đồng thời, tạo ra sự cân bằng trong công tác bảo vệ bản quyền cũng như là lợi ích chung. Tính đến nay đã có 93 bên ký kết bao gồm 119 quốc gia gia nhập Hiệp ước.
Từ 2018, Hội Người mù Việt Nam đã phối hợp UNDP cùng chung tay cùng các bộ, ban, ngành để thúc đẩy Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh. Tháng 12/2022, Việt Nam đã chính thức là thành viên của Hiệp ước Marrakesh; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định hướng dẫn cũng đã ban hành.
Theo đó, buổi tập huấn nhằm phổ biến các nội dung về hiệp ước và các quy định liên quan; đồng thời tham vấn dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và dự thảo báo cáo về Thực trạng tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam.
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chia sẻ: “Hy vọng sau buổi tập huấn, các tổ chức của và vì người khuyết tật, các thư viện, nhà xuất bản, trường học, trung tâm trợ giúp pháp lý… sẽ có thêm những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để cùng chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước triển khai thực hiện Hiệp ước và các quy định của Việt Nam một cách hiệu quả, tạo ra cơ hội mới cho những người khuyết tật chữ in tiếp cận các tác phẩm thông tin tri thức. Và đây là nền tảng cơ bản quan trọng để đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng và khẳng định sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của những người khuyết tật”.
Tại Hội thảo, đại diện UNDP cũng chia sẻ ba thông điệp đến với các đại biểu: phân bổ nguồn lực và tham vấn với người khuyết tật đọc chữ in là điều cần thiết để việc thực hiện Hiệp ước Marrakesh hiệu quả; sự hiểu biết chung và hỗ trợ lẫn nhau cho các trường hợp ngoại lệ bản quyền cho người khuyết tật chữ in là chìa khóa thành công; việc thu thập dữ liệu để giám sát quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật chữ in rất quan trọng.
Bà Sylvie Forbin, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết: Chúng tôi mong muốn tiếp tục sự hợp tác giữa WIPO và Việt Nam trong việc phát triển hệ sinh thái bản quyền, thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Bằng việc tham gia một loạt các hiệp ước về bản quyền, Việt Nam đã thiết lập một khung pháp lý hiện đại, toàn diện để hỗ trợ những người thụ hưởng Marrakesh. Đây là một bước tiến quan trọng vì lợi ích của những người khuyết tật chữ in ở Việt Nam và trên thế giới.