Tạo cơ hội việc làm cho người dân

Những năm qua, xã Bản Xen (Mường Khương) luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xã Bản Xen:

Năm 2015, Bản Xen là 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Mường Khương “về đích” nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo từ 44% (năm 2011) giảm còn 9% (năm 2015). Đến nay, thu nhập bình quân đã tăng lên 33,8 triệu đồng/người/năm (gần gấp đôi so với thời điểm năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm còn 5,3%. Nói vậy để thấy công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền xã Bản Xen đối với phát triển kinh tế, cụ thể là trong lĩnh vực đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã đem lại hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Người dân xã Bản Xen học tập và mở rộng các ngành nghề khác nhau.

Qua giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc của gia đình anh Hoàng Văn Thư, thôn Na Phả. Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn, anh Thư quyết định chuyển đổi diện tích ruộng lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá. Để có thêm kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá, anh đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề nuôi thủy sản ngắn hạn do UBND xã Bản Xen phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Với 2 ha mặt nước nuôi các loại cá nước ngọt, cá giống và cá thương phẩm, trung bình mỗi năm gia đình anh xuất bán hơn 3 tấn cá các loại. Mô hình kinh tế của gia đình anh còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động khi vào thời vụ. Ngoài ra, gia đình anh xây dựng thêm 2 khu nuôi lợn, vừa tạo nguồn thức ăn cho cá vừa mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình.

Năm 2019, anh Nông Văn Đức (thôn Thịnh Ổi) tham gia lớp học nghề hàn trong 3 tháng do Trung tâm Dạy nghề Phú Minh tổ chức. Với quyết tâm học nghề để có công việc và thu nhập ổn định cùng sự hướng dẫn tận tình của giáo viên, anh Đức nhanh chóng nắm được các kỹ thuật cơ bản của nghề hàn. Anh Đức cho biết: Học xong, tôi sẽ vay vốn mở xưởng sửa chữa cơ khí phục vụ bà con trong xã, cũng là để có thêm thu nhập.

Từ năm 2015 đến nay, xã Bản Xen đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề trong tỉnh mở 7 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 200 lao động nông thôn trên địa bàn. Nội dung đào tạo chủ yếu về kỹ thuật nông - lâm nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy… Qua các lớp dạy nghề, đa số học viên biết áp dụng ngành nghề mình học vào thực tế, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất. Theo thống kê của UBND xã Bản Xen, hiện số người trong độ tuổi lao động tham gia học nghề của xã chiếm khoảng 41%, trong đó nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 63%; hơn 90% lao động học nghề có việc làm theo đúng ngành học hoặc tạo việc làm mới có thu nhập cao hơn trước khi học nghề, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trước đây, kinh tế của xã Bản Xen chủ yếu là thuần nông, người dân ít phát triển các ngành nghề khác. Những năm gần đây, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, trong đó tạo điều kiện và khuyến khích người dân phát triển kinh doanh dịch vụ. UBND xã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh đến tư vấn, tuyển dụng lao động. Nhờ vậy, đời sống của hơn 900 hộ trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao.

Ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xen cho biết: Trong thời gian tới, xã sẽ tập trung tìm hiểu, cập nhật thông tin thị trường lao động để giúp người dân có cơ hội tìm việc làm. Cùng với đó, xã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của người dân.

Tâm anh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/tao-co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-dan-z36n20200412080552191.htm