TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CAO HƠN, ỔN ĐỊNH HƠN CHO HOẠT ĐỘNG LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM DO QUỐC HỘI VÀ HĐND THỰC HIỆN

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là một trong những hình thức giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp. Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND về nội dung này, các đại biểu và chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát lần này là cơ hội tốt để nghiên cứu luật hóa một số nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 96/2022/QH15, tạo cơ sở pháp lý cao hơn, ổn định hơn cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội và HĐND thực hiện theo quy định.

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới, các đại biểu và chuyên gia quan tâm đến Điều 34 quy định về kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Các ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cần được thực hiện nghiêm, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, đánh giá sát đúng thực chất đối với các chức danh và từng chức danh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Đồng thời cần quy định cụ thể, đầy đủ trong dự thảo Luật lần này và phải đảm bảo phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội. Do đó, các ý kiến nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát chính là cơ hội tốt để nghiên cứu luật hóa một số nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 96/2022/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, tạo cơ sở pháp lý cao hơn, ổn định hơn cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội và HĐND thực hiện theo quy định.

Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng, việc bổ sung khoản 1a Điều 34 trong dự thảo Luật để đáp ứng yêu cầu nhằm quy định cụ thể về quy trình, thủ tục các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời luật hóa khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về thủ tục đề nghị, kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội

 Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến

Đề cập về nội dung này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 23 tháng 6 năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Đây là văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở cho Quốc hội, HĐNDA các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là một trong những hình thức giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhận thấy, việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các vấn đề khác có liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong Nghị quyết của Quốc hội để làm cơ sở pháp lý cao nhất cho việc thực hiện là hợp lý, vì luật và nghị quyết của Quốc hội đều có giá trị pháp lý như nhau.

Trong trường hợp cần quy định tất cả các quy định về giám sát của Quốc hội và HĐND, bao gồm lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong một văn bản pháp luật (luật) để tạo thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn, cũng như việc nghiên cứu, tra cứu thì có thể chuyển các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các vấn đề khác có liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn từ Nghị quyết vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Khi đó Luật Hoạt động giám sát sẽ bao gồm đầy đủ các chủ thể giám sát, đối tượng bị giám sát, hình thức, trình tự, thủ tục giám sát và các vấn đề khác có liên quan.

Như vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhận thấy, về cơ sở pháp lý lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã được quy định đầy đủ và cùng với trách nhiệm cao, công khai, minh bạch, sáng suốt của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thì việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường

Góp ý vào nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, nội dung của Điều 34 Luật hiện hành chưa phù hợp với Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đổi với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo đó, Điều 34 Luật hiện hành quy định khi người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá không tín nhiệm thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức đối với người đó.

Trong khi đó, điểm d khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội quy định UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”; Điều 12 quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì UBTVQH trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc bổ sung khoản 1a Điều 34 trong dự thảo Luật là phù hợp, tuy nhiên đây không phải là vấn đề quan trọng, mà vấn đề đặt ra là cần sửa đổi nội dung này để bảo đảm phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội và các văn bản của Đảng có liên quan.

Luật hóa một số nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 96/2022/QH15 của Quốc hội

Nêu rõ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một hình thức giám sát quan trọng đang được quy định tại Nghị quyết số 96/2022/QH15 của Quốc hội, PGS.TS Lê Minh Thông - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, thực tiễn việc lấy phiếu tín nhiệm đem lại hiệu quả tích cực trong việc kiểm soát việc thực thi quyền hạn, trách nhiệm của những người giữ các chức vụ, chức danh do Quốc hội vầ HĐND bầu hoặc phê chuẩn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

PGS.TS Lê Minh Thông - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

PGS.TS Lê Minh Thông - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

“Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát lần này là một cơ hội tốt để có thể nghiên cứu luật hóa một số nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 96/2022/QH15, tạo cơ sở pháp lý cao hơn, ổn định hơn cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội, HĐND thực hiện theo quy định”, PGS.TS Lê Minh Thông nhấn mạnh.

Mặt khác, PGS.TS Lê Minh Thông cũng cho rằng, cần nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. Điều 13 Luật Tổ chức Quốc hội quy định 4 trường hợp Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, trong đó điểm b, điểm c, khoản 1 Điều 13 quy định khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa quy định quy trình, thủ tục để đạt được ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị, cũng như quy trình, thủ tục để Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu có ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội, hoặc Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội không tín nhiệm.

Do vậy, PGS.TS Lê Minh Thông đề nghị cần nghiên cứu để quy định cơ chế, quy định cách thức đạt được 20% đại biểu có ý kiến đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc cách thức để Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể thực hiện quyền đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm mà không đợi đến kỳ lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết số 96/2022/QH15 của Quốc hội. Để tạo cơ chế thực hiện điểm b, điểm c khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức Quốc hội, cần nghiên cứu bổ sung các nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát, đáp ứng yêu cầu kiểm soát quyền lực theo chủ trương của Đảng.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương

Cho rằng sau 7 năm triển khai thực hiện, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng còn nhiều hạn chế, khó khăn nhất định trong thực tiễn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật để từng bước hoàn thiện và đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương đề nghị cần lưu ý đối với quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Cụ thể đối với các địa phương thực hiện và thí điểm thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị cần rà soát chỉnh sửa để trùng khớp với các quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường ở nơi không tổ chức HĐND quận, HĐND phường. Đồng thời đối với chức danh Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố cũng không thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội.

Do đó, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 63 của Luật theo hướng quy định các chức vụ lấy phiếu tín nhiệm đối với khối HĐND gồm: “Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân”./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88387