Tạo cơ sở pháp lý để phòng, chống tội phạm
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc quản lý các loại vũ khí.
Tổ 7 gồm các đoàn ĐBQH: Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Đăk Nông, Long An.
Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao nội dung của dự luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bảo đảm thể chế hóa cơ bản đầy đủ các nhóm chính sách khi đề nghị xây dựng luật.
Các ĐBQH ở tổ 7 cũng góp ý về nhiều nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm chất lượng tốt nhất để có thể xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Theo đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về giải thích từ ngữ; về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ; về khai báo vũ khí thô sơ; về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; nghiên cứu sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa công cụ hỗ trợ và một số nội dung cụ thể khác.
Nhiều đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong tình hình mới. Phạm vi nội dung sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để đảm bảo thống nhất với các luật có liên quan. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tham gia thảo luận, Đại biểu Phạm Như Hiệp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, vũ khí thể thao có thể là súng thể thao hoặc các dung cụ, vũ khí dùng trong thể thao. Phóng lao là một môn thể thao và lao cũng là vũ khí thể thao, do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm vào khoản 4a, Điều 3.
Đại biểu Phạm Như Hiệp cũng đề nghị ban soạn thảo bổ sung danh mục cụ thể ở nội dung tiền chất thuốc nổ cần được quy định tại khoản 10, Điều 3.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm đến các vũ khí thô sơ.
Ông Hải dẫn chứng nhiều vụ án giết người nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà hung khí là dao. Từ đó, ông Hải đề nghị cân nhắc việc kiểm soát phù hợp, hiệu quả đối với dao. “Theo tôi, đối với việc nhiều cơ sở sản xuất dao dùng cho sinh hoạt, sản xuất thì không cần khai báo và nếu đưa vào diện quản lý cũng không khả thi. Điều quan trọng chúng ta cần tuyên truyền, giao dục sâu rộng trong dân”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói.
Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, UBND và công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Do vậy, việc sửa đổi dự án luật này là cần thiết.
Được biết, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 74 điều, trong đó: Chương I quy định chung (17 điều); Chương II quy định về quản lý, sử dụng vũ khí (15 điều); Chương III quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ (11 điều); Chương IV quy định về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ (6 điều); Chương V quy định về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ (11 điều); Chương VI quy định về tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (9 điều); Chương VII quy định về quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (3 điều); Chương VIII quy định về điều khoản thi hành (2 điều).