Tạo cú hích đón 'làn sóng' đầu tư

7 tháng đầu năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút thêm 33 dự án vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đạt 377,2 triệu USD và 2.960,53 tỷ đồng. Để Vĩnh Phúc tiếp tục là 'bến đỗ' của các dự án đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, hoạt động.

Tập trung thu hút dòng vốn chất lượng cao

Thực hiện Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến năm 2030, từ đầu năm đến nay, Vĩnh phúc tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh...Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã làm thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 33 dự án đầu tư trong nước (DDI) và ngoài nước (FDI); đồng thời điều chỉnh tăng vốn cho 29 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 377,2 triệu USD và 2.960,53 tỷ đồng. Cụ thể: Cấp mới 24 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 173,9 triệu USD, 24 lượt dự án FDI tăng vốn với số vốn tăng thêm 203,3 triệu USD; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2024 là 377,2 triệu USD, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 108% kế hoạch năm 2024.

Công ty cổ phần Thép Việt Đức (Bình Xuyên) không ngừng đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Công ty cổ phần Thép Việt Đức (Bình Xuyên) không ngừng đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Cấp mới 9 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.894,51 tỷ đồng, 5 lượt dự án DDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 1.066,02 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2024 là 2.960,53 tỷ đồng, bằng 58% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 197% kế hoạch năm 2024. Lũy kế đến đầu tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh có 841 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 142,5 nghìn tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới việc thu hút các dự án DDI như Dự án Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn FPT tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc có vốn đầu tư dự kiến 70 - 100 triệu USD; dự án hạ tầng KCN Phúc Yên, dự kiến tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; 2 dự án đầu tư nhà xưởng, hạ tầng cho thuê tại KCN Sơn Lôi của Công ty Vietnam Investment M Limited và Công ty Vietnam Investment S Limited, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; dự án tăng vốn của Tập đoàn Thép Việt Đức, tăng tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng,...Đến ngày 15/7/2024, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc là 495 dự án, gồm 118 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 37.724,64 tỷ đồng và 377 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.720,89 triệu USD.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại An Hạnh (Lập Thạch) đã ký được đơn hàng xuất khẩu sản phẩm may mặc đến hết tháng 2/2025.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại An Hạnh (Lập Thạch) đã ký được đơn hàng xuất khẩu sản phẩm may mặc đến hết tháng 2/2025.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN. Đứng đầu bảng thu hút về vốn đầu tư là Hàn Quốc với 185 dự án, vốn đăng ký đầu tư 2.521,7 triệu USD, chiếm 37,7% tổng vốn đầu tư, đứng thứ hai là Đài Loan với 46 dự án, vốn đầu tư 1.187,8 triệu USD; đứng thứ ba là Nhật Bản có 49 dự án, vốn đầu tư 1.166,4 triệu USD; Thái Lan đứng thứ 4 với 10 dự án, vốn đầu tư 734,4 triệu USD; Trung Quốc đứng thứ 5 với 42 dự án, vốn đầu tư 382,6 triệu USD. Còn lại theo thứ tự lần lượt là các dự án đến từ Italia, Singapore, British Virgin Islands, Samoa, CH Seychelles, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Belize, Indonesia, Tây Ban Nha, CH Mauritius và Pháp.

Cùng với đó, hiện, một số KCN đã lấp đầy 100% như Kim Hoa, Bá Thiện II, Bình Xuyên II giai đoạn 1, Bá Thiện phân khu II. Một số KCN có tỷ lệ lấp đầy cao như KCN Khai Quang đạt 98%, KCN Bình Xuyên đạt 97%, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đạt 86%… Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, địa phương sẽ đầu tư thêm 5 KCN mới, nâng tổng số KCN trên địa bàn tỉnh lên 24 khu với tổng quỹ đất là 7.000 ha, đến năm 2050 là 10.000 ha. Các dự án KCN mới sẽ được bố trí tập trung gần các đô thị lớn, có vị trí tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, gần các trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5...

Sản xuất các thiết bị điện tại nhà máy Lumi Smart Factory, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên)

Sản xuất các thiết bị điện tại nhà máy Lumi Smart Factory, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên)

Trên thực tế, với những bước đi bài bản, vững chắc trong phát triển công nghiệp, nhất là tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, những năm qua, Bình Xuyên luôn là địa phương dẫn đầu tỉnh cả về số KCN lẫn số dự án đầu tư, nhất là dự án FDI. Hiện, toàn huyện có 7 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô 1.800 ha, thu hút hơn 400 DN FDI, DDI với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2024, huyện thu hút thêm 16 dự án FDI; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án, tổng vốn đầu tư ước đạt hơn 253 triệu USD. Trong đó, dự án đầu tư đăng ký cấp mới đạt gần 140 triệu USD, dự án hiện hữu đăng ký tăng vốn đạt hơn 113 triệu USD. Lũy kế đến nay có 299 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ đã tạo đà cho KT-XH huyện Bình Xuyên phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định theo từng năm. Cùng với đó, huyện tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông và các tuyến giao thông kết nối các KCN, CCN, đẩy mạnh thu hút các dự án lớn, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở cơ cấu lại thu hút đầu tư, quan tâm các ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, công nghệ lõi, có giá trị gia tăng cao như sản xuất chíp, công nghiệp bán dẫn. Chú trọng xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, bến bãi đỗ xe, công viên, khu quảng trường, trung tâm thương mại, hạ tầng các cơ sở giáo dục; lựa chọn, thu hút các nhà đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính để thực hiện các dự án. Quan tâm công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, giải quyết các điểm nóng, những vụ việc tiềm ẩn nguy cơ trở thành các điểm nóng gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…Phấn đấu đến năm 2025 Bình Xuyên trở thành thị xã, góp phần tạo thêm động lực mang tính đột phá để xây dựng, phát triển KT-XH của Bình Xuyên nói riêng, của Vĩnh Phúc nói chung.

Vĩnh Phúc tập trung thu hút FDI vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh.

Vĩnh Phúc tập trung thu hút FDI vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư

Là doanh nghiệp DDI đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech ngày càng phát triển. Không chỉ là tập đoàn sở hữu chuỗi nhà máy hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hiện, đơn vị đang triển khai nhiều dự án KCN, CCN tại tỉnh như Dự án CNCTech Bá Thiện, KCN Nam Bình Xuyên, CCN Hợp Thịnh. Thời gian tới, khi các dự án đi vào hoạt động với dịch vụ chuyên nghiệp của DN cung cấp mọi thứ cần thiết để các nhà đầu tư có thể nhanh chóng đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh với các DN trong nước và quốc tế.

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết, những tháng cuối năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến thu hút 3-5 dự án FDI vào các KCN, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 50-70 triệu USD; thu hút 2-3 dự án DDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 1.000-1.200 tỷ đồng. Trước mắt trong tháng 8/2024, Ban Quản lý dự kiến cấp mới GCNĐKĐT và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho khoảng 6-8 dự án ở trong và ngoài nước, cụ thể: Dự án FDI: Cấp GCNĐKĐT và điều chỉnh tăng vốn cho 2-3 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10-15 triệu USD. Dự án DDI: Cấp mới, điều chỉnh tăng vốn cho 1-2 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 50-100 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu thu hút 5.500 tỷ đồng vốn DDI đề ra trong năm 2024, từ nay đến cuối năm, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu… của tỉnh. Trọng tâm là tăng cường sự minh bạch; cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách đầu tư và hỗ trợ DN thông qua việc kiện toàn, nâng cao năng lực của các bộ phận xúc tiến đầu tư, hỗ trợ DN. Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ và hoạt động đối thoại DN để tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của DN, nhà đầu tư về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả xúc tiến đầu tư trong những tháng cuối năm 2024, theo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, Ban đã xây dựng một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cụ thể. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại DN, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật KCN cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước; chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các KCN; khuyến khích DN hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài; tiếp tục thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các KCN và định hướng, chủ trương của tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện môi trường, ít phát sinh khí thải nhà kính, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó tập trung thu hút FDI vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: Công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp công nghệ số (gồm công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, các ngành công nghiệp mới, sản xuất chip, bán dẫn sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao của CMCN lần thứ tư); công nghiệp ô tô; công nghiệp hỗ trợ; phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, sản xuất vật liệu mới; đầu tư phát triển bất động sản KCN.

Tăng cường công tác nắm tình hình, xu hướng đầu tư trên thế giới và trong khu vực, dự báo sát thực tiễn để có các giải pháp phù hợp, linh hoạt, kịp thời trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thẩm định, cấp phép đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư FDI.

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thúc đẩy tăng cường kết nối giữa DN FDI và DN DDI theo chỉ đạo của tỉnh; khuyến khích DN hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Với hệ thống hạ tầng KCN ngày càng đồng bộ, hiện đại, cùng nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư của các ngành chức năng, tin rằng, Vĩnh Phúc sẽ không chỉ là điểm sáng thu hút đầu tư FDI mà còn là địa chỉ tin cậy để nhiều DN, tập đoàn sản xuất lớn trong nước tìm đến đầu tư sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh

7 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Vĩnh Phúc tăng 4,29% so với cùng kỳ, trong khi đó, chỉ số tồn kho giảm mạnh là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.Là ngành ưu tiên trong thu hút đầu tư của tỉnh, các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xu thế hội nhập... giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và nhận được nhiều đơn hàng mới. Hiện, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 16 DN nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng các ngành điện tử, ô tô, xe máy cho các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với vai trò là nhà cung ứng cấp 1, xếp thứ 4 toàn quốc. Cùng với đó, 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 49/52 dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký đạt 383 triệu USD, chiếm hơn 80% tổng vốn thu hút đầu tư của tỉnh.

Lưu Hiệp- Minh Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/tao-cu-hich-don-lan-song-dau-tu-i739669/