Tạo cú hích mạnh mẽ cho nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng tốc và bứt phá
Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là chủ trương, quyết sách chính trị có vai trò, ý nghĩa quan trọng, tạo cú hích mạnh mẽ cho nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng tốc, bứt phá, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Hội thảo "Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam" diễn ra tại Đà Nẵng vào chiều nay (16/1). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 450 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương; đại diện lãnh đạo đại sứ quán, tổng lãnh sự quán một số nước tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư chiến lược, lãnh đạo các quỹ đầu tư, công ty tư vấn trong và ngoài nước; …
Đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại
Trên thế giới hiện có hơn 120 trung tâm tài chính (TTTC), luôn cạnh tranh để trở thành TTTC hàng đầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển hoạt động tài chính. Các TTTC trên thế giới được chia chủ yếu thành 3 nhóm chính: TTTC quốc gia, TTTC khu vực và TTTC quốc tế với các đặc điểm về quy mô, đa dạng các dịch vụ, tính kết nối khác nhau theo mức độ từ thấp đến cao, trong đó các TTTC quốc tế là các trung tâm có quy mô lớn, có ảnh hưởng trên thị trường tài chính toàn cầu và là khu vực tập trung nhiều định chế tài chính quy mô lớn, tập đoàn đa quốc gia cung cấp hầu hết các sản phẩm tài chính cho các chủ thể trong TTTC và xuyên biên giới.
Việt Nam đang có đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành TTTC khu vực và quốc tế. Cụ thể, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33-34 thế giới. Các đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt 2 con số, cao nhất khu vực. Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với trên 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới; quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP. Chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.
Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ra Thông báo kết luận 47-TB/TW về việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TPHCM và TTTC khu vực tại Đà Nẵng. Ngày 31/12/2024, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo nội dung nghị quyết được công bố, TTTC quốc tế và khu vực sẽ được xây dựng tại TPHCM và thành phố Đà Nẵng.
Việc xây dựng TTTC được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời, tạo ra cơ chế, nguồn lực mới, là "cú hích" mạnh đối với nền kinh tế đất nước.
Làm rõ các cơ hội và thách thức cho phát triển TTTC quốc tế
TPHCM hiện đang là TTTC quốc gia và đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập TTTC quốc tế. Thành phố đang sở hữu nhiều điều kiện, lợi thế để phát triển TTTC quốc tế.
Cùng với TPHCM, Đà Nẵng cũng đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập TTTC khu vực. Điều này thể hiện sự ủng hộ, tin tưởng và kỳ vọng của Trung ương đối với Đà Nẵng, thể hiện sự quyết tâm chính trị rất lớn của lãnh đạo Thành phố. Đồng thời khẳng định Đà Nẵng đã và đang hội tụ các yếu tố "thiên, thời, địa lợi, nhân hòa" khi có đầy đủ các lợi thế, yêu cầu, tiềm năng phát triển TTTC khu vực, hướng tới mục tiêu dài hạn là TTTC quốc tế.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã chia sẻ những thông tin về điều kiện, thuận lợi để phát triển TTTC quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng.
Đồng thời, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ các cơ hội và thách thức cho phát triển TTTC quốc tế tại Việt Nam; vai trò của chuẩn mực quốc tế trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của TTTC quốc tế; kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý tài sản và quỹ đầu tư, bài học cho Việt Nam; chính sách và giải pháp thúc đẩy thanh toán quốc tế và ngân hàng số tại TTTC quốc tế; các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam; công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam;…
Một số ý kiến cho rằng, để xây dựng TTTC, Việt Nam cần cho áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các định chế tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính…) và tạo lập các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ và cả hàng hóa), ưu tiên phát triển các lĩnh vực tài chính mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, khung pháp lý áp dụng cho TTTC sẽ khác biệt so với các quy định pháp luật hiện hành nên các cơ chế, chính sách này cần được thực hiện có kiểm soát, theo lộ trình và trong giới hạn không gian địa lý xác định.
Góp phần thực hiện mục tiêu tăng tốc, bứt phá
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tổ chức hội thảo ý nghĩa này. Hội thảo là sáng kiến, thể hiện tinh thần khẩn trương, quyết liệt và quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm sớm hiện thực hóa việc hình thành TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
"Hội thảo diễn ra thành công hơn mong đợi, rất chất lượng, thu hút nhiều nhà đầu tư, nhà khoa học trong và ngoài nước. Phát biểu của các diễn giả rất chuyên nghiệp, rất sâu, sát thực tiễn. Đặc biệt các diễn giả đã nghiên cứu rất kỹ tình hình Việt Nam để có những gợi mở, kiến nghị và khuyến nghị, có những nhận xét chính xác, thuyết phục về các định hướng chính sách của Việt Nam. Các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đưa ra nhiều cam kết đồng hành cùng với Việt Nam trong việc hình thành TTTC quốc tế và khu vực", Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu.
Việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam là chủ trương, quyết sách chính trị có vai trò, ý nghĩa quan trọng, tạo cú hích mạnh mẽ cho nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng tốc, bứt phá, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31/12/2024 phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1718/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về TTTC.
Với mục tiêu thành lập các TTTC trong năm 2025, phát triển TTTC khu vực vào năm 2035, TTTC quốc tế vào năm 2035, yêu cầu tổ chức triển khai đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, phát huy tinh thần đổi mới mạnh mẽ để bứt phá, phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện, nhất quán từ Trung ương đến địa phương.
Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch hành động
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan Trung ương nghiêm túc, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã được giao theo Kế hoạch hành động được Chính phủ ban hành; nghiên cứu và triển khai xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về TTTC theo phân công tại Kế hoạch hành động; bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra.
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính, sách, pháp luật phục vụ cho hình thành và phát triển TTTC quốc tế hiện đại; bảo đảm cơ chế, chính sách thông thoáng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; cử nhân sự đến các TTTC lớn của thế giới để thực tập, đào tạo, học việc, bảo đảm đội ngũ sau đào tạo phải vận hành, triển khai được các nhiệm vụ đặt ra trong vận hành ở các TTTC quốc tế.
Phải có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng môi trường làm việc, hạ tầng sống và một hệ sinh thái hậu thuẫn cho vận hành TTTC quốc tế và khu vực.
Tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là kết nối với các TTTC có uy tín trong khu vực và trên thế giới để tham vấn chính sách, thúc đẩy phát triển các TTTC của Việt Nam cũng như thu hút đầu tư vào các TTTC quốc tế và khu vực tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình mong muốn các đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển TTTC. Đồng thời, hỗ trợ thu hút nguồn lực, kết nối các nhà đầu tư lớn, tiềm năng để tham gia vào TTTC tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết: Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Quỹ Đầu tư Makara Capital, Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Tập đoàn Terne Holdings, Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và các đối tác (Học viện TMC – Singapore; Đại học Yuan Ze - Đài Bắc, Trung Hoa; Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales).