Việt Nam có thể đón 2,4 nghìn tỷ USD từ chính sách năng lượng mới
Việt Nam sắp ban hành Luật Điện lực mới, hứa hẹn thúc đẩy bùng nổ điện tái tạo và thị trường điện cạnh tranh. Đáng chú ý, theo BloombergNEF, tham vọng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ có thể mang lại 2,4 nghìn tỷ USD đầu tư năng lượng sạch - một con số khổng lồ, đủ để định hình lại toàn bộ hệ thống năng lượng quốc gia.
Luật Điện lực mới sẽ được ban hành vào ngày 1/2/2025 ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, năng lượng hạt nhân, cũng như hydro xanh và amoniac xanh. Bên cạnh đó, luật hỗ trợ các dự án thủy điện quy mô nhỏ, điện gió ngoài khơi và đơn giản hóa quy trình phê duyệt. Đặc biệt, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho phép các dự án năng lượng tái tạo bỏ qua quy trình đấu thầu thông thường, đẩy nhanh tiến độ triển khai năng lượng sạch.
Tạo nền tảng cho thị trường điện cạnh tranh
Luật mới sẽ dần loại bỏ trợ cấp chéo thông qua hệ thống định giá đa thành phần. Đồng thời, các cơ chế giao dịch điện mới như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai và quyền chọn cũng được giới thiệu. Hiện nay, giá bán lẻ điện dựa trên khung giá quốc gia dễ dẫn tới tình trạng một số hộ gia đình phải trả giá cao hơn để bù cho mức giá thấp đối với sản xuất và doanh nghiệp.
Ngoài ra, luật mới bao gồm hướng dẫn chi tiết hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu dự án điện, tạo tiền đề cho một thị trường điện cạnh tranh hơn. Luật còn khuyến khích đầu tư tư nhân vào hệ thống lưu trữ năng lượng, củng cố khung pháp lý cho năng lượng hạt nhân bằng cách sửa đổi Luật Điện hạt nhân năm 2008, đồng thời thiết lập cơ chế phát triển năng lượng LNG để thu hút thêm vốn đầu tư.
Các điều khoản chuyển tiếp sẽ giúp điều chỉnh các thỏa thuận cũ sao cho phù hợp với khung pháp lý mới. Phù hợp với Quy hoạch Điện VIII (PDP8), luật này hướng đến việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu hơn 60% công suất lắp đặt đến từ điện mặt trời và điện gió vào năm 2050, tăng đáng kể so với mức 30% hiện nay.
Bộ Công Thương nhận định: “Luật mới thiết lập một thị trường điện cạnh tranh, cho phép các hoạt động giao dịch mạnh mẽ hơn và hoạt động minh bạch. Luật mới cũng đảm bảo tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khi vẫn duy trì an toàn hệ thống và giá điện ổn định.”
Theo số liệu của Viện Năng lượng, tính đến năm 2023, than đóng góp 47% (129,6 TWh) vào sản lượng điện của Việt Nam, tiếp theo là thủy điện (29%, tương đương 80,9 TWh), năng lượng tái tạo (14%, 37,9 TWh), khí đốt (9,5%, 26,3 TWh) và dầu chiếm 0,5% (1,3 TWh). Trong cơ cấu năng lượng tái tạo, điện mặt trời chiếm 68% và điện gió chiếm 30%.
Cơ hội đầu tư hàng nghìn tỷ USD
Báo cáo mới của BloombergNEF (BNEF) cho thấy, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy nhanh phát triển năng lượng sạch. Ngoài năng lượng tái tạo, việc ứng dụng xe điện (EV) và công nghệ thu giữ - lưu trữ carbon (CCS) cũng vô cùng quan trọng.
Báo cáo dựa trên báo cáo Triển vọng năng lượng mới 2024 của BNEF, phân tích hai kịch bản. Kịch bản phát thải ròng bằng 0 (NZS) vạch ra lộ trình hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050, phù hợp với Thỏa thuận chung Paris, và Kịch bản chuyển đổi kinh tế (ETS) cơ bản được thúc đẩy bởi khả năng cạnh tranh về chi phí của các công nghệ carbon thấp.
Theo kịch bản phát thải ròng bằng 0 (NZS) của BNEF, ngành điện Việt Nam dự báo đạt đỉnh phát thải vào năm 2026 rồi giảm dần nhờ triển khai mạnh mẽ điện mặt trời, điện gió. Giao thông đạt đỉnh vào 2029, sau đó giảm nhanh khi phương tiện đường bộ được điện khí hóa. Công nghiệp chạm đỉnh vào 2033, rồi giảm đáng kể vào cuối thập niên 2030 nhờ ứng dụng CCS và hydro để khử carbon.
Tới năm 2050, năng lượng sạch, thu giữ carbon và hiệu quả năng lượng sẽ chiếm 78% lượng giảm phát thải, phần còn lại đến từ điện khí hóa, năng lượng sinh học và hydro.
Báo cáo ước tính công suất điện mặt trời của Việt Nam có thể đạt 512 GW vào năm 2050 (gần gấp ba lần mục tiêu PDP8).
Để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, BNEF ước tính tổng nhu cầu đầu tư năng lượng sạch của Việt Nam từ 2024 đến 2050 lên tới 2,4 nghìn tỷ USD.
Trong đó, 1 nghìn tỷ USD đầu tư cho phía cầu (nhu cầu năng lượng), chỉ cao hơn 14% so với kịch bản chuyển đổi kinh tế ETS nhờ chi phí xe điện giảm.
Phía cung cần nhiều vốn hơn gấp đôi so với ETS, do nhu cầu điện cao và nhu cầu thu giữ carbon. Riêng đầu tư vào CCS là 183 tỷ USD theo NZS, trong khi kịch bản ETS là 0.
“Việt Nam đã định vị tốt vai trò là trung tâm sản xuất cho nhiều công ty đa quốc gia đặt mục tiêu sử dụng điện sạch,” bà Phan Hạnh, chuyên gia của BNEF Đông Nam Á và là tác giả chính của báo cáo, nhận định. “Việt Nam có thể tận dụng nhu cầu điện xanh đang tăng cao để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới, đồng thời củng cố khung pháp lý nhằm khử carbon ở những lĩnh vực khó giảm thiểu.”
Trung Việt (theo BloombergNEF)