Tạo 'cú hích' từ tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ

Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ hội đủ các yếu tố để trở thành tam giác du lịch độc đáo, thu hút du khách. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng, mở các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch ở khu vực này. Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định và đề ra phương án phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là phát triển tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp, văn hóa lịch sử của vùng Bắc Trung Bộ; là khu vực tiềm năng để phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Bãi tắm Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: TÂN NGUYÊN

Bãi tắm Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: TÂN NGUYÊN

Quảng Trị hiện có 75 km bờ biển với nhiều danh thắng nổi tiếng. Cách bờ biển Cửa Việt hơn 15 hải lý là đảo Cồn Cỏ. Tam giác Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ nằm gần các di tích quốc gia đặc biệt như Địa đạo Vịnh Mốc và Cụm di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải thuận lợi cho việc kết nối du lịch biển và du lịch lịch sử.

Tam giác này càng có lợi thế lớn khi mở rộng kết nối với các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, trước khi hành lang ngang qua các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay nối Việt Nam với Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar...

Trong chiến lược phát triển du lịch biển, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch-dịch vụ dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt; Khu dịch vụ - du lịch dọc tuyến Cửa Tùng-Vịnh Mốc; Khu dịch vụdu lịch Cửa Việt; Khu du lịch Cửa Tùng; Khu du lịch huyện đảo Cồn Cỏ.

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách ưu đãi các nhà đầu tư đến với Quảng Trị thực hiện các dự án về phát triển thương mại-dịch vụ, du lịch biển. Tập trung huy động, sử dụng lồng ghép nhiều nguồn lực để tăng cường xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng ven biển, kết hợp với việc quảng bá các hoạt động dịch vụ du lịch, tắm biển, nghỉ dưỡng tại các bãi tắm cộng đồng và các cụm, điểm du lịch dịch vụ biển, đảo...

Cùng với đó, tỉnh đang triển khai dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị; Dự án đường ven biển nối Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 1 khi hoàn thành sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để các nhà tổ chức tour đưa khách đến với du lịch Quảng Trị, trong đó du lịch biển là điểm nhấn quan trọng.

Tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ đã được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia để có thêm nhiều điều kiện tốt hơn huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật phục vụ khách du lịch; xây dựng Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ thành khu du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, tạo “cú hích” để du lịch Quảng Trị tăng tốc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Khách du lịch tham quan đảo Cồn Cỏ bằng ô tô điện - Ảnh: H.T

Khách du lịch tham quan đảo Cồn Cỏ bằng ô tô điện - Ảnh: H.T

Hiện nay, Cửa Tùng và Cửa Việt là 2 địa điểm thường xuyên diễn ra các sự kiện, lễ hội. Nổi bật, từ ngày 12-14/7 vừa qua, tại Khu Dịch vụ-Du lịch Cửa Việt đã diễn ra Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng”. Đây là hoạt động trọng tâm trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội Vì Hòa bình nhằm tôn vinh sự đa dạng, đặc sắc của ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực Quảng Trị nói riêng trong hoạt động du lịch, thu hút trên 32.000 lượt người tham dự.

Với Cồn Cỏ, được mệnh danh là “Hòn ngọc giữa Biển Đông”, đảo Cồn Cỏ không chỉ được biết đến là địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ mà còn là “vọng gác tiền tiêu” nơi cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ. Từ năm 2017, khi Chính phủ, UBND tỉnh cho phép mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, hạ tầng và chất lượng phục vụ được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách. Đặc biệt, một số loại hình du lịch đã khai thác có hiệu quả như các điểm tham quan, lưu trú, ẩm thực của đảo. Theo đó, từ năm 2017 đến tháng 4/2024, đã thu hút được 38.419 lượt khách ra đảo, tổng doanh thu từ du lịch đạt 44,6 tỉ đồng.

Vừa qua, khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá, Quảng Trị là điểm kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng và giữa các nước hướng ra biển. Là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông-Tây, có vị trí đầu mối giao lưu, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước với các nước trong Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng; đồng thời là cầu nối vùng Bắc Trung Bộ với vùng động lực miền Trung.

Bên cạnh đó, Quảng Trị là điểm đến nổi trội của du lịch Việt Nam. Với 75 km đường bờ biển, Quảng Trị có nhiều tiềm năng phát triển đô thị biển kết hợp du lịch, xây dựng và mở rộng cảng biển, phát triển các ngành kinh tế biển.

Do vậy, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ chiến tranh, ký ức chiến tranh - khát vọng hòa bình; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt- đảo Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển... là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành du lịch cần tập trung triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Lễ hội văn hóa ẩm thực tại Khu Du lịch-Dịch vụ Cửa Việt -Ảnh: T.N

Lễ hội văn hóa ẩm thực tại Khu Du lịch-Dịch vụ Cửa Việt -Ảnh: T.N

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, việc phát triển tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ hiện nay vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tuyến đường ven biển kéo dài từ Cửa Việt đến Cửa Tùng mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp tuy nhiên một thực tế dễ dàng nhận thấy là hầu hết các dự án đầu tư vào dịch vụ - du lịch biển ở khu vực này đều có tiến độ thực hiện rất chậm.

Điều này cũng tác động tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, công tác quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng như tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đối với huyện đảo Cồn Cỏ, trong thời gian qua, mặc dù lượng khách du lịch ra đảo ngày càng tăng nhưng điều kiện lưu trú trên địa bàn huyện chưa đảm bảo và thiếu tính đồng bộ.

Chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dịch vụ, du lịch chưa đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của du khách. Đặc biệt, nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn chế; các dự án về du lịch triển khai còn chậm; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh nhưng chưa có nhà đầu tư chính thức đến đầu tư tại đảo...

Để tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ phát triển mạnh mẽ, trở thành “kiềng ba chân” góp phần đưa du lịch Quảng Trị cất cánh, thời gian tới, tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý, rà soát, nắm bắt tình hình triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ-du lịch biển đang triển khai. Có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các dự án cố tình kéo dài qua nhiều năm nhưng không triển khai xây dựng.

Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, thông thoáng và bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư về kết cấu hạ tầng, các cơ sở phục vụ du lịch sinh thái biển, đảo, du lịch nghỉ dưỡng...Với huyện đảo Cồn Cỏ, cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng trong phát triển kinh tế và du lịch, dịch vụ ở đảo có tầm nhìn dài hạn.

Từ đó phát huy tối đa tiềm năng du lịch tam giác Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời tạo nên diện mạo, động lực phát triển mới cho hoạt động du lịch, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tao-cu-hich-tu-tam-giac-du-lich-cua-tung-cua-viet-dao-con-co-187750.htm