Tạo đà cho chăn nuôi phát triển bền vững

Nhờ có những giải pháp cụ thể, cùng chính sách hỗ trợ kịp thời, những năm gần đây, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại cần được tháo gỡ để phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh.

Mô hình chăn nuôi gà đẻ đang mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình chị Đinh Thị Minh, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương

Mô hình chăn nuôi gà đẻ đang mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình chị Đinh Thị Minh, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương

Tận dụng lợi thế, chính sách

Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển chăn nuôi. Vì vậy, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn giúp nông dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất; quy hoạch, hỗ trợ phát triển các khu chăn nuôi tập trung.

Đồng thời, ban hành nhiều chính sách về phát triển chăn nuôi và được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án như: Chương trình hỗ trợ phát triển giống vật nuôi, xử lý môi trường; hỗ trợ mua máy nghiền, máy thái cỏ; xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm chăn nuôi sạch; hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm…

Nhờ những giải pháp cụ thể, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năm 2021, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng hơn 7% so với năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp chiếm hơn 56%.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn như: Chăn nuôi bò sữa tại các xã thuộc huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo; chăn nuôi lợn tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm tại các xã thuộc huyện Tam Dương, Tam Đảo.

Đến nay, hầu hết các trang trại quy mô lớn đều áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hiện nay, 100% số hộ nuôi bò sữa đã sử dụng máy thái cỏ, trên 90% số hộ sử dụng máy vắt sữa để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa bò. Vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường được quan tâm.

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tổ chức thực hiện và giám sát chặt chẽ, với tỷ lệ tiêm các loại vắc xin phòng bệnh hằng năm đạt trên 80%, đảm bảo miễn dịch quần thể; nhận thức của người chăn nuôi được thay đổi từ việc phòng bệnh thụ động chuyển sang phòng bệnh chủ động.

Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Số lượng các vùng chăn nuôi sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn ít; chăn nuôi vẫn còn phát triển theo phong trào dẫn đến một số thời điểm xảy ra tình trạng cung vượt quá cấu, dư thừa sản phẩm, giá bán thấp.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức, chưa hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm sạch và an toàn. Hoạt động xúc tiến thương mại, chế biến sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực này còn yếu; chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn, chế biến sản phẩm.

Đến nay, tỉnh chưa có chính sách riêng cho phát triển chăn nuôi, một số chính sách đã có chủ yếu là lồng ghép, thiếu đồng bộ cả về hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng...

Để phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn.

Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm; quản lý chặt chẽ công tác kiểm soát giết mổ; xây dựng các vùng sản xuất sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh. Đồng thời, xây dựng chương trình đặc thù của địa phương để hỗ trợ phát triển chăn nuôi

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76752/tao-da-cho-chan-nuoi-phat-trien-ben-vung.html