Tạo đà cho du lịch Pác Nặm phát triển
Xác định phát triển du lịch sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, huyện Pác Nặm đang ưu tiên nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, mở ra cơ hội đầu tư phát triển du lịch, cụ thể hóa Nghị quyết của huyện về phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025.
Pác Nặm ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch chính, đồng thời tập trung phát triển cơ sở lưu trú phù hợp với nhu cầu và tốc độ phát triển du lịch của huyện. Trong giai đoạn đầu, tập trung khuyến khích người dân ở một số thôn như: Cọn Luông, Thôm Mèo (xã Xuân La), Nà Lẩy, Khâu Đấng (xã Bộc Bố), Lủng Phặc (xã Cổ Linh) nâng cấp nhà ở, đầu tư trang thiết bị cần thiết để cung cấp dịch vụ lưu trú qua đêm.
Giai đoạn 2021 - 2022 đảm bảo có khoảng 5 - 10 nhà dân cung cấp dịch vụ homestay; giai đoạn 2022 - 2025 có từ 20 - 30 nhà cung cấp dịch vụ. Trong giai đoạn này, khuyến khích đầu tư, cải tạo, nâng cấp các nhà nghỉ hiện có tại huyện đạt tiêu chuẩn gắn sao, đồng thời kêu gọi đầu tư mở rộng, xây mới các khách sạn, nhà nghỉ phù hợp với thực tế phát triển du lịch của huyện. Phấn đấu đến năm 2025 nhu cầu buồng lưu trú trên địa bàn toàn huyện có khoảng 300 buồng.
Song song với phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, công tác tạo việc làm cho lao động địa phương liên quan tới du lịch cũng đã được huyện tính đến với mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 400 lao động trực tiếp và khoảng 800 lao động gián tiếp.
Ruộng bậc thang ở thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng tạo điểm nhấn cho du khách tham quan.
Đồng chí Đào Duy Hưng- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm cho biết: Đến nay huyện đã hoàn thành Đề án phát triển du lịch với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. Đây là cơ sở cho việc quản lý và khai thác hiệu quả, bền vững các tiềm năng du lịch của huyện, đồng thời thu hút đầu tư phát triển du lịch cho huyện Pác Nặm nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung. Khai thác có hiệu quả và bền vững tiềm năng, lợi thế về du lịch, gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích, danh thắng, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, huyện Pác Nặm gắn phát triển du lịch với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường bền vững, đây là trách nhiệm chung của các ngành kinh tế và của cộng đồng.
Cùng với đó, huyện Pác Nặm đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch có chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm của khu, điểm du lịch. Tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn như: Tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa vùng cao, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch sinh thái nông nghiệp, tìm hiểu tập quán canh tác vùng cao, du lịch ẩm thực, du lịch thể thao và thể thao mạo hiểm, các sản phẩm du lịch bổ trợ...
Người dân Pác Nặm vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong sinh hoạt và lao động.
Đặc biệt, huyện tập trung đầu tư khu vực tổ chức lễ hội Mù Là trở thành điểm nhấn về du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, chú trọng khai thác bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc trưng các dân tộc thiểu số. Tổ chức các hội nghị, chương trình xúc tiến đầu tư tại địa phương hoặc tại tỉnh để kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại Pác Nặm như: Đầu tư tư nhân vào phát triển các điểm dừng chân, điểm ngắm cảnh, check-in tại khu vực đèo Yêu, xã Xuân La, xã Nghiên Loan… đảm bảo an toàn, thoải mái có mái che, băng ghế ngồi, ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, kiến trúc đẹp, hài hòa với thiên nhiên. Quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công cộng như nhà vệ sinh công cộng, trạm bơm, xử lý rác thải, trạm y tế. Cơ sở vật chất kỹ thuật điện, nước, điện thoại, internet cho các bản du lịch cộng đồng tại xã Bộc Bố, xã An Thắng, xã Cổ Linh. Đầu tư hệ thống đường tiếp cận các điểm tham quan như: Di tích lịch sử Búp Nhùng, xã Cao Tân; hang Dơi, xã Nhạn Môn; thác Khuổi Khoang, xã Giáo Hiệu; suối Thuổm Nàng, xã Công Bằng…
Bên cạnh đó, huyện Pác Nặm được đánh giá là địa phương sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống khá đa dạng, hấp dẫn, đặc biệt là các giá trị văn hóa phi vật thể như múa khèn của người Mông; hát Then, đàn Tính, hát sli, lượn của người Tày; lễ cấp sắc của người Dao. Mỗi dân tộc sinh sống tại huyện đều có nét văn hóa riêng và văn hóa ẩm thực đặc sắc. Những phong tục truyền thống, lễ hội khác biệt và độc đáo đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho huyện Pác Nặm.
Có thể nói, đến nay việc đầu tư và thu hút đầu tư cho du lịch của huyện Pác Nặm mới chỉ bắt đầu. Tuy nhiên, qua đánh giá những lợi thế cho thấy huyện có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Huyện tiếp tục triển khai các bước thực hiện từ đầu tư cơ sở, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền tới các cấp, ngành, đặc biệt là người dân cùng chung tay thực hiện.
Từng bước triển khai phát triển du lịch, đồng thời hoàn thành chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025 đã được Đại hội Đảng bộ huyện Pác Nặm thông qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển du lịch huyện Pác Nặm giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 6.700 lượt khách, trong đó có khoảng 400 lượt khách quốc tế; giai đoạn 2025 - 2030 đón khoảng 13.500 lượt khách, trong đó có khoảng 1.000 lượt khách quốc tế; phấn đấu tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 24 tỷ đồng vào năm 2025, đến năm 2030 đạt trên 59 tỷ đồng./.